Sáng 30/6 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016.
Về nội dung xây dựng thể chế trong buổi họp sáng nay, Thủ tướng chỉ đạo các bộ đẩy nhanh hoàn thành các văn bản quy định còn nợ để ban hành đúng tiến độ, nhưng phải đảm bảo chất lượng. Tại cuộc họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý II năm 2016.
Theo báo cáo, phần lớn các văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã có kế hoạch ban hành cụ thể để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Tuy nhiên, vẫn có những bộ đề nghị lùi thời hạn trình một số dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, đặc biệt là các thông tư.
Sau khi nghe các thành viên Chính phủ có ý kiến thảo luận về tình hình và các giải pháp để đẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án luật, nghị định, thông tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các bộ ngành đã tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, nhất là các nghị định thi hành Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Các bộ đã trình Chính phủ 49/50 Nghị định cần ban hành. Mặc dù phải hoàn thành trong thời gian ngắn, nhưng các bộ đã xây dựng Nghị định đúng quy trình, tổ chức các hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, công khai dự thảo trên cổng thông tin để lấy ý kiến góp ý.
Đánh giá các bộ ngành đã quán triệt tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đó là không sao chép những thông tư cũ của các bộ đưa vào nghị định, Thủ tướng nhấn mạnh: đây là đổi mới rất quan trọng để giải phóng sức sản xuất, để người dân và doanh nghiệp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, được làm những việc mà luật không cấm.
Rút kinh nghiệm từ việc lùi thời hạn thi hành Bộ Luật Hình sự mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiêm túc, cầu thị trong công tác xây dựng thể chế, không vì chịu áp lực về tiến độ, số lượng mà bỏ qua chất lượng.
Tuy công tác xây dựng thể chế đã đạt kết quả tích cực, nhưng Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, số văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới còn lớn, với 114 văn bản chưa được ban hành. Trong đó có 25 nghị định, 3 quyết định, 74 thông tư. Trong 28 văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã có 18 văn bản đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét và sẽ ký ban hành đúng thời gian.
Để xây dựng và ban hành các văn bản đúng tiến độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Các Nghị định và thông tư liên quan đến các Luật khác chúng ta nợ còn lớn, các bộ trưởng về giao ban tại bộ mình, đặt số liệu đến từng vụ, từng cục, từng lãnh đạo bộ, xem số nợ đó thuộc về ai để có biện pháp triển khai quyết liệt hơn, giảm tình trạng nợ đọng này. Tất nhiên có những hướng dẫn đến 15/7 hoặc tháng 8 mới có hiệu lực, nhưng tình hình sắp tới phải quyết liệt hơn. Tôi đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục quan tâm đến công tác này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ trưởng và trưởng ngành”.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp cần cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các bộ trong xây dựng các văn bản. Cùng với đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chủ trì họp với các bộ để tháo gỡ những nút thắt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định; Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ thẩm tra các văn bản mà các bộ xây dựng.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành một lần nữa là dù đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng các văn bản khi ban hành: “Chúng ta phải hoàn thành sớm, đúng số lượng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, phải đảm bảo chất lượng các văn bản được ban hành, trong đó phải đổi mới tư duy, không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản hướng dẫn để cải cách thủ tục hành chính, giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phát triển đất nước. Chính vì vậy dù thời gian gấp, một số văn bản còn nợ đọng đến hạn ban hành, nhưng quy trình công khai lấy ý kiến trên cổng thông tin, đặc biệt là mời các chuyên gia, các đối tượng trực tiếp thảo luận rất quan trọng để nâng cao chất lượng dự thảo văn bản”.
Cũng trong sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về một số dự án luật, trong đó có dự án Luật Đường sắt sửa đổi, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao Công nghệ; dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi và một số nội dung khác.
Chiều 30/5, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về kinh tế - xã hội.
Theo VOV