Đó là ông Nguyễn Tư Pháp, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Nhiệt tình, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, ông Pháp là tấm gương để thế hệ trẻ trong ngành học tập.
Ông Nguyễn Tư Pháp - Ảnh: LÊ LANH |
Trước khi vào ngành Thi hành án dân sự, ông Pháp là một chiến sĩ công an nhân dân. Sau khi công tác thi hành án được chuyển giao từ cơ quan tòa án các cấp sang cơ quan thuộc Chính phủ quản lý vào năm 1993, ông chuyển ngành vào công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa). Đến năm 1999, ông được bổ nhiệm làm chấp hành viên cấp tỉnh; năm 2011 là Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, phụ trách quản lý, điều hành, chỉ đạo trong công tác chuyên môn và giải quyết khiếu nại, tố cáo thi hành án dân sự trong toàn tỉnh. Trong thời gian công tác, ông luôn là người gương mẫu, nhiệt tình, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2014, ông Pháp được Cục trưởng phân công phụ trách chính về lĩnh vực nghiệp vụ thi hành án dân sự và cho ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ đối với 9 chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Với công việc thi hành án dân sự, nhiều người cho rằng rất phức tạp, mệt mỏi vì dễ bị khiếu nại, tố cáo. Nhưng ông Pháp thì khác. Ông cho rằng: “Mình làm hết trách nhiệm, phát huy hết khả năng vì công việc chung và tuân thủ theo quy định pháp luật thì không có gì phải băn khoăn”. Với suy nghĩ đó, một mặt ông tích cực trau dồi khả năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, mặt khác ông luôn nỗ lực, tận tụy làm việc. Bên cạnh đó, ông cũng rất nghiêm khắc mỗi khi có cán bộ, công chức sai phạm hoặc để xảy ra thiếu sót về mặt nghiệp vụ. Ông chân tình, thẳng thắn góp ý, chỉ ra những cái sai của đồng nghiệp để mọi người rút kinh nghiệm và đề ra hướng khắc phục ngay trong công tác chuyên môn. Đặc biệt, khi được phân công phụ trách chỉ đạo điều hành về nghiệp vụ đối với các chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, ông rất nhiệt tình và hướng dẫn chu đáo những quy định pháp luật, những phương pháp xử lý tình huống khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành.
Một lần, ông Pháp phải giải quyết một vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa những người trong gia tộc. Đây là một vụ án phức tạp và rất “nóng” trong thời điểm đó nhưng ông rất bình tĩnh ngồi đối diện với các bên đương sự để thuyết phục và hòa giải trước khi tiến hành cưỡng chế. Sau gần một ngày làm việc căng thẳng, ông nhẫn nại chịu đựng sự cãi vã tranh chấp giữa các bên đương sự để thuyết phục thành công. Nhờ vậy, đơn vị không những có thể tổ chức cưỡng chế thi hành án mà ông còn trở thành “hòa giải viên” trong mối quan hệ gia đình của hai bên đương sự, giúp họ tìm ra tiếng nói chung và hòa thuận trở lại. Ông chia sẻ: “Trong mọi tình huống, tôi đều cố gắng tìm ra cách thuyết phục hợp tình, hợp lý để những người trong cuộc có thể hiểu và đồng ý với phương án giải quyết mà cơ quan chức năng đưa ra”.
Với những thành tích đạt được trong 23 năm qua, ông Pháp đã góp phần vào việc hình thành và phát triển ngành Thi hành án dân sự Phú Yên. Nhiều năm liền, ông được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Tư pháp tặng bằng khen và năm 2015, được bình chọn là điển hình tiên tiến 5 năm liền của ngành Thi hành án dân sự Phú Yên.
LÊ LANH