Đó là ông Huỳnh Mễ, ở thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa). Ông Mễ là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành Tây. Từ đất lúa trồng xen hoa màu, ông đã thành công với cây khổ qua, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Mễ (bên phải) lựa khổ qua để bán cho thương lái - Ảnh: B.VÂN |
Để cải thiện kinh tế gia đình, ông Huỳnh Mễ không ngừng học hỏi kỹ thuật thâm canh mới. Ông Mễ cho biết: Nhà tôi có đất sản xuất nông nghiệp 3.500m2. Tôi thực hiện mô hình trồng xen canh lúa với hoa màu từ năm 1997. Ban đầu, tôi trồng dưa leo phủ bạt xen lúa, mặc dù cũng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cây dưa leo tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi nhà chỉ có tôi là lao động chính. Hơn nữa, cây dưa leo gặp mưa không đạt hiệu quả kinh tế. Sau khi học hỏi kỹ thuật từ sách báo, bạn bè và thành viên trong Câu lạc bộ Khuyến nông của HTX, tôi thấy cây khổ qua chịu được khí hậu nắng mưa thất thường của địa phương, có thể trồng quanh năm, nên năm 2013, tôi quyết định chuyển sang trồng cây khổ qua xen lúa. Mỗi năm tôi trồng 1 vụ lúa xen canh 2 vụ khổ qua.
Ông Mễ bắt đầu trồng khổ qua trên diện tích 1.000m2. Ông đầu tư 5 triệu đồng để mua lưới, tre về dựng giàn và bạt phủ gốc. Vụ đầu, cây khổ qua cho thu hoạch 20 triệu đồng/vụ, cao gấp 4-7 lần trồng lúa. Thấy thu hoạch từ khổ qua cao nên ông Mễ quyết định mở rộng diện tích lên 2.000m2. Với diện tích này, cây lúa cho thu nhập 6 triệu đồng/vụ, còn cây khổ qua cho thu nhập 40 triệu đồng/vụ.
Thu nhập từ cây khổ qua cao hơn làm thuần lúa là vậy nhưng ông không làm cả 3 vụ mà chọn hình thức xen canh. Theo ông Mễ, việc xen canh như là cách thích nghi với khí hậu khô hạn hiện nay, vì làm lúa nước cần nhiều nước trong khi trồng khổ qua không cần nhiều nước. Đồng thời trồng xen vụ còn góp phần cắt đứt nguồn lây lan của sâu bệnh, hạn chế cỏ dại. Hiện ông đang mở rộng diện tích trồng khổ qua lên 2.500m2. Bên cạnh cây khổ qua, ông dành khoảng 1.000m2 để thử trồng các loại cây màu khác như bắp lai, bí ngô hồ lô… Sản phẩm nông sản của gia đình ông luôn được các thương lái tìm tới thu mua.
Theo bà Lê Thị Hoa ở huyện Đông Hòa, một người chuyên đi thu mua nông sản và đã làm ăn với ông Huỳnh Mễ gần 10 năm nay, thì sản phẩm của gia đình ông có mẫu mã đẹp, giá cả cũng hợp lý nên khách hàng rất ưa chuộng. “Tôi thường tới tận ruộng của gia đình ông Huỳnh Mễ để mua, sau đó mang đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn huyện Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Không riêng gì khổ qua mà nhiều loại rau màu khác của gia đình ông Mễ tôi đều thu mua”, bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Phước, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành Tây, nhận xét: Nhờ chịu khó học hỏi đẩy mạnh thâm canh nên sản phẩm nông sản của gia đình ông Mễ luôn đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao. Là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông của HTX, ông đã đóng góp nhiều kinh nghiệm, ý kiến hay giúp các hộ thành viên khác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ. Mô hình làm kinh tế hộ của gia đình ông Mễ xứng đáng là điển hình để các hộ khác học theo.
BẠCH VÂN