2 năm nay, anh Võ Công Trưởng (SN 1980, thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) đã mạnh dạn đưa máy cày, kéo điện từ làng ra bãi, áp dụng mô hình tưới tự động… biến vùng đất cát vốn hoang hóa, cỏ lau trở nên trù phú.
Anh Võ Công Trưởng với thành quả thu được nhờ làm việc chăm chỉ, sáng tạo - Ảnh: T.HÀ |
Trên bãi bồi sông Ba, trừ những khu đất đã được cải tạo, san phẳng để canh tác, những người có việc xuống bãi cắt cỏ, tưới nước, nuôi bò phải luồn dưới những đám lau lách mọc quá đầu để di chuyển trên các lối mòn nhỏ. Lách là loại cây có sức sống bền bỉ nên mặc dù nước sông Ba mỗi năm đều dâng lên ngập bờ bãi, thì khi nước rút, loài cỏ này vẫn phát triển rậm rạp, rễ bám sâu, lan rộng trên các bãi bồi. Ở khu đất lau lách mọc dày, ít ai nghĩ có thể cải tạo được để trồng loại cây nào khác. Thế nhưng, anh Võ Công Trưởng đã bỏ công sức để cải tạo vùng đất này thành một vùng thâm canh.
Anh Trưởng nhận khu đất 1,2ha toàn lau lách với giá “bèo” từ người trong làng và bắt tay vào công cuộc cải tạo. Để đối phó với đám rễ lách cứng đầu, anh Trưởng phải mang máy cày từ nhà ra bãi. “Nói thì đơn giản, nhưng để đưa một chiếc máy cày nhỏ qua sông không dễ dàng chút nào. Mùa cạn nước, các chủ thuyền không dám chở máy cày cập bờ vì sợ gãy chân vịt. Tôi phải lấy 4 cái thùng phuy nhựa, kết thành bè, bỏ máy cày lên trên, cột chặt lại sau đó vượt sông. Mất non một ngày, tôi cũng đưa được “con bò sắt” ra để cải tạo vùng đất “cứng đầu” này”, anh Trưởng kể.
Vốn là thợ cơ khí, anh Trưởng bắt tay cải tạo bộ phận cày ruộng thành lưỡi cày bò mới có thể cày ải lấy từng rễ lách, san phẳng thành đất trồng trọt. Khi đã có đất, anh lại tiếp tục kéo điện ra bãi để phục vụ tưới tiêu. Anh Trưởng kể: “Mất 20 triệu đồng kéo điện, lại phải xin phép nhiều cơ quan quản lý điện với nhiều thủ tục, nhiều người làng tặc lưỡi: đầu tư nhiều công sức, tiền của như vậy biết có thu lại được gì không. Nhưng khi thấy tôi bắt tay vào gieo trồng, hạt gieo đến đâu cây lên đến đó, họ mới thấy hiệu quả”.
Sau khi cải tạo được đất, học tập theo những mô hình tưới tiêu tự động, anh Trưởng lại lên vùng chuyên canh rau ở Lâm Đồng học tập mô hình hệ thống tưới nước tự động. Sau đó, anh mua ống nước về rồi tự mình ráp vào máy bơm, đục lỗ trên ống và làm béc tưới. Chỉ trong khoảng 6 tháng làm việc cật lực, anh Trưởng đã có khoảng 3 sào (1.500m2) đất vừa trồng rau, vừa trồng cỏ tưới nước tự động. Hệ thống này giúp anh tiết kiệm được rất nhiều công lao động, chi phí sản xuất và giúp cây trồng phát triển tốt. Tính đến thời điểm này, thu nhập mỗi ngày từ vườn rau của gia đình anh khoảng 450.000 đồng, đủ chi dùng cho cuộc sống, mua những đồ vật có giá trị và đảm bảo các khoản để hai con đến trường. “Mỗi ngày, tôi làm cỏ, bỏ phân, tưới nước còn vợ thì cắt rau mang ra chợ. Thu nhập không thể phút chốc mà cao ngay nhưng cứ thế này rồi cũng sẽ khá được”, anh Trưởng tươi cười nói.
Ông Nguyễn Chấm, một lão nông ở thôn Ngọc Phước 2 (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), rất tâm đắc với vườn rau của gia đình anh Trưởng. Ông nói: “Xưa giờ người ta trồng trọt trên những vùng đất thịt. Đằng này, khu đất của gia đình anh Trưởng là đất ven sông, cát chiếm phần nhiều nên lúc thấy cháu nó ra bãi khai hoang rồi mang máy cày, kéo điện, chúng tôi cũng lo không biết như thế nào. Không ngờ, chỉ sau một thời gian, đất được cải tạo trở nên màu mỡ, hệ thống tưới tiêu hình thành, các loại rau thi nhau mọc lên xanh tốt, ít sâu bệnh, ít phân thuốc, nhiều người trong làng thấy hay nên cũng muốn học tập làm theo”.
Bà Phạm Thị Trợ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ngọc, nhận xét: Nhờ mạnh dạn đầu tư, dám thử cách làm mới, anh Trưởng đã tự tạo cơ hội làm ăn cho mình trên đất quê hương, trở thành một trong những hộ nông dân thuộc hàng khấm khá trong xã. Mô hình tưới tiêu bằng béc tự động mà anh Trưởng đang thực hiện cũng cho thấy hiệu quả và tiết kiệm rất nhiều so với cách làm truyền thống (cuốc thủ công và tưới bằng máy bơm chạy bằng dầu).
THÁI HÀ