Sau một thời gian ở TP Hồ Chí Minh tìm việc, bươn chải với đủ nghề, hai chàng thanh niên trẻ Hứa Văn Hậu (SN 1985) và Lê Ngọc Lai (SN 1988) đều ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) cùng quyết định về quê thành lập cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh và mang lại hiệu quả bước đầu.
Theo Hậu, cách đây một năm, anh và anh Lai nhận thấy ở quê mình, việc thu gom, phân loại rác thải để tái chế chưa được nhiều người quan tâm. Đặc biệt là các loại bao bì ni lông không được thu gom mà bị vứt ra môi trường, gây mất vệ sinh, mỹ quan các khu dân cư. Đồng thời, rác thải ni lông rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, là loại rác thải nguy hại khó xử lý, tác động xấu đến môi sinh... Trước thực trạng này, Hậu và Lai bắt đầu hình thành ý tưởng thu gom và tái chế vừa giúp giải quyết bài toán về môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Từ ý tưởng đó, Hậu và Lai đã tham quan, tìm hiểu ở nhiều cơ sở chuyên sản xuất hạt nhựa từ phế phẩm ở TP Hồ Chí Minh và góp vốn mở cơ sở sản xuất với kinh phí khoảng 600 triệu đồng. “Hồi đó, ý tưởng sản xuất hạt nhựa vi sinh từ những đồ nhựa phế thải không được nhiều người ủng hộ và cho đây là một ý tưởng điên rồ, khó khả thi. Cả cha mẹ chúng tôi cũng không ủng hộ”, anh Hậu nói. Nhưng rồi, bằng quyết tâm của mình, Ngọc Lai và Văn Hậu đã xây dựng kế hoạch sản xuất với phương án kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất... Và hai chàng trai trẻ đã thuyết phục được cha mẹ đồng ý đầu tư vốn để sản xuất.
Ông Lê Ngọc Chu, cha của Lai, chia sẻ: “Lúc đầu, khi nghe Lai xin tiền để mở cơ sở sản xuất nhựa tái chế, vợ chồng tôi lo lắm. Vì vốn bỏ ra đến vài trăm triệu đồng, nhưng thấy con có ý chí và quyết tâm làm ăn nên vợ chồng cũng ráng “bơi” theo. Để có vốn cho con, hai vợ chồng gom góp tiền của, vay mượn được 300 triệu đồng cho con mở xưởng, đầu tư thiết bị máy móc”.
Thời gian đầu, khi xưởng mới đi vào sản xuất, máy móc vận hành còn nhiều trục trặc, thiếu nguồn vốn lưu động, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất và quan trọng nhất là chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm hạt nhựa tái chế nên cơ sở sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, những khó khăn đó không làm cho Hứa Văn Hậu và Lê Ngọc Lai nản lòng. Hai anh đã mượn vốn đầu tư thêm máy móc, hoàn thiện dây chuyền và đưa quy trình tái chế nhựa phế thải khép kín đi vào hoạt động ổn định. Lê Ngọc Lai cho biết: “Hiện ở quê mình, nghề tái chế nhựa phế thải là công việc mới, gần như chưa có người làm. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra ít bị cạnh tranh. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh sản xuất được hơn 1 tấn hạt nhựa. Sản phẩm làm ra đến đâu được thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hết đến đó; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 7 thanh niên ở địa phương với mức lương bình quân mỗi người từ 2-3 triệu đồng/tháng”.
Phó Bí thư Huyện Đoàn Sông Hinh Dương Tấn Lãnh nói: Đây là cơ sở tái chế hạt nhựa từ rác thải đầu tiên ở Sông Hinh, mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giúp địa phương xử lý được lượng rác thải sinh hoạt, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên ở địa phương. Hai bạn Hứa Văn Hậu và Lê Ngọc Lai là những điển hình tuổi trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm rất đáng ghi nhận”.
N.NGUYỆN - N.CHƯƠNG