Mặc dù là địa phương nghèo, đời sống còn khó khăn nhưng từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức huyện Sông Hinh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với khó khăn của người nghèo, nhân lên niềm tin yêu giữa dân với Đảng và chính quyền.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ
Thực hiện Kế hoạch 68 ngày 14/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh đã xây dựng Kế hoạch 88-KH/HU ngày 24/3/2014 về thực hiện “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ thôn, buôn khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch cho hơn 200 cán bộ chủ chốt toàn huyện. Ngay sau khi tiếp thu chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chi bộ cơ sở đã quán triệt và triển khai đến từng cán bộ, đảng viên; tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, xây dựng kế hoạch giúp đỡ theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, toàn huyện có 60 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 38 thôn, buôn đặc biệt khó khăn; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong huyện nhận giúp đỡ 285 hộ nghèo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Văn Ngọc cho biết qua triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đa số cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng nội dung, giải pháp giúp đỡ phù hợp, có lộ trình, tiến độ thực hiện cụ thể. Trong suốt quá trình thực hiện, bên cạnh việc kiểm tra giám sát thường xuyên, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, xây dựng bản tin nội bộ thông tin kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch từng tháng. “Đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm bài viết về các mô hình, gương điển hình trong việc thực hiện Kế hoạch 88 được phát trên sóng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và trên bản tin thông báo nội bộ, góp phần tạo sự lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”, ông Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh.
NHỮNG CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh có 13 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Hưởng ứng Kế hoạch 88, mỗi cán bộ, đảng viên đã nhận giúp đỡ một hộ nghèo ở buôn Học (xã Ea Lâm). Định kỳ hàng tháng, các cán bộ, đảng viên đã đến nhà hộ dân nhận giúp đỡ để tìm hiểu nhu cầu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, hướng dẫn họ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như trồng giống sắn mới, trồng cỏ voi nuôi bò, lúa lai, bắp lai; đồng thời giới thiệu cho người dân thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương. Ma Lơn ở buôn Học, cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ nên tôi đã mạnh dạn trồng hơn 1ha cao su và chăm sóc đúng quy trình nên cây phát triển rất tốt. Nếu mô hình này thành công thì đây là hướng xóa đói giảm nghèo đối với người dân chúng tôi”. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng NN-PTNT Nguyễn Khắc Sự, trong quá trình được giúp đỡ, người dân buôn Học đã tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Hơn thế, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo được kịp thời, nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đồng tình với kế hoạch.
Không chỉ giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ. Vợ chồng Ma Luê ở buôn Thinh (xã Ea Trol), đã ngoài 80 tuổi, lâu nay chỉ quanh quẩn ở nhà vì sức khỏe yếu. Ma Luê cho biết: “Từ khi có Kế hoạch 88, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên đến đây thăm hỏi, hỗ trợ tiền; đồng thời giúp chúng tôi vệ sinh nhà cửa, đưa đi bệnh viện lúc ốm đau, vợ chồng tôi yên lòng lắm”. Còn đảng viên Phan Ngọc Linh (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh) chia sẻ: “Ngoài việc hỗ trợ kinh tế, chúng tôi còn quan tâm đến vấn đề tâm lý người cao tuổi. Người cao tuổi thường bị hụt hẫng khi không còn khả năng lao động kiếm tiền, các mối quan hệ xã hội cũng hạn chế bởi đi lại khó khăn. Vì vậy, khi được lắng nghe, được chia sẻ, được tôn trọng, người cao tuổi sẽ cảm thấy vui hơn trong cuộc sống”.
Cùng với hai mô hình trên, Kế hoạch 88 được các đơn vị, cá nhân thực hiện sáng tạo, linh động, phù hợp thực tế và đa dạng các hình thức như: xây dựng tủ sách pháp luật, làm đường bê tông, hỗ trợ thiết bị trường học, bắt đèn chiếu sáng đường quê, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ pháp luật, hỗ trợ cây giống, con giống mới; đỡ đầu các em học sinh nghèo, tặng quà thăm hỏi nhân dịp lễ tết…
SẺ CHIA ĐỂ CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, tinh thần Kế hoạch 88 đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư, thể hiện qua những việc làm thực tế tiêu biểu như ông Trần Văn Đức (thôn Vĩnh Giang, xã Sơn Giang) giúp ông Nguyễn Văn Sướng ở cùng thôn có vốn để buôn bán nhỏ; bà Võ Thị Mận (thôn 2/4, xã Ea Ly) đứng ra vay 25 triệu đồng giúp ông Đặng Lợi mua 2 con bò giống; Ma Hương (buôn Zô, xã Ea Ly) cho Ma Bai mượn 1ha đất sản xuất. Bên cạnh đó, những người buôn bán nhỏ lẻ ở xã Ea Bar tự nguyện quyên góp được 4,8 triệu đồng và 20 ngày công giúp sửa nhà cho hộ nghèo ở buôn Quen; nhân dân xã Ea Bar đóng góp 74 triệu đồng và 150 ngày công để sửa chữa đập dâng buôn Quen, nhờ vậy hàng chục hộ dân trong buôn có nước để sản xuất lúa...
Qua hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch 88, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân huyện Sông Hinh đã đóng góp hơn 680 triệu đồng để giúp đỡ hộ nghèo và các thôn, buôn nghèo trong huyện. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện giúp các hộ nghèo 1,5 tỉ đồng để mua tặng bò giống, hỗ trợ xóa nhà tạm. Kpắ Y Drai, người dân buôn Bưng B (xã Ea Lâm), phấn khởi: “Được cán bộ, đảng viên quan tâm động viên, giúp đỡ, chúng tôi sẽ cố gắng để cải thiện cuộc sống”.
Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Sáu khẳng định: Kế hoạch 88 đã giúp nhiều thôn, buôn từng bước vượt qua khó khăn, giúp các hộ nghèo nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm tự thân vươn lên, tích cực lao động sản xuất, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan trọng hơn, quá trình thực hiện kế hoạch này đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tổ chức Đảng, chính quyền với các hộ nghèo, nhân dân địa phương, góp phần củng cố tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa duy trì thường xuyên, số hộ được giúp thoát nghèo còn thấp, ý thức thoát nghèo của một số hộ gia đình chuyển biến còn chậm. “Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng đối với từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, kiên trì đồng hành với người dân, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo hơn nữa để giúp cuộc sống người nghèo ngày thêm ổn định”, ông Nguyễn Sáu nhấn mạnh.
VĂN THÙY