Đó là việc làm ý nghĩa của ông Phan Trọng Đãi ở thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh). Hơn 10 năm qua, ông Đãi đã tự bỏ tiền túi, sau đó vận động thêm bà con đóng góp để cùng sửa lại đường từ thôn Tuy Bình đi xã Ea Bia cho an toàn, thuận tiện; góp phần giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Ông Phan Trọng Đãi - Ảnh: V.AN |
Theo người dân địa phương, cách đây hơn 10 năm, khi muốn vận chuyển nông sản từ thôn Tuy Bình đến Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh), họ phải đi đường vòng rất xa vì đường nối thẳng hai địa điểm này tuy chỉ dài hơn 500m nhưng là con đường mòn nhỏ hẹp, khó đi. “Mùa mưa, đường lầy lội, bùn đất nhão nhoẹt; còn mùa nắng thì đường gập ghềnh, “ổ gà”, “ổ trâu” dày đặc. Đường nhỏ, người dân phải thuê cộ bò vào rẫy chở nông sản ra đường lớn rồi mới chuyển đi bán, nên chi phí đội lên rất cao, lợi nhuận còn lại không đáng là bao. Do đó, đời sống của người dân khi ấy đã bao năm qua vẫn không khá lên nổi”, bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Tuy Bình, nhớ lại.
Gia đình ông Phan Trọng Đãi lúc bấy giờ cũng thuộc diện khó khăn. Nhà có mấy sào đất trồng sắn, mía, lại nằm ven đường mòn nên hơn ai hết, ông hiểu nỗi khó khăn, vất vả của việc không có đường lớn, thuận tiện. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn tính với người nhà, ông Đãi đã tình nguyện bỏ tiền ra tu sửa đường từ thôn Tuy Bình đi xã Ea Bia. Ông Đãi cho biết: “Năm đầu tiên sau khi được sửa, đường bằng phẳng, đi lại thuận tiện hơn, tôi và những người trong thôn rất mừng. Tuy nhiên, chỉ qua một mùa thu hoạch nông sản và đến khi mưa xuống, mọi việc lại đâu vào đấy. Không nản chí, năm sau, tôi tiếp tục bỏ tiền ra sửa đường và vận động thêm một số người dân trong thôn cùng làm. Sau đó, được xã vận động, tôi còn tiên phong hiến đất để mở rộng đường”. Một mình làm không xuể, vả lại, muốn mở rộng đường phải đi qua phần đất của nhiều người nữa nên ông Đãi tích cực đi vận động những người có đất rẫy ven đường mỗi người hiến một ít để làm đường cho rộng rãi. Nhờ vậy, chỉ sau vài năm, con đường mòn lầy lội trước kia giờ đã dễ đi hơn, đường cũng được mở rộng gần 5m nên không chỉ cộ bò mà xe tải cũng qua được.
Theo ông Đãi, sau mấy năm nhìn lại, ông thấy quyết định của mình lúc đó là đúng đắn. Dù khi làm đường, ông và một số người dân trong thôn mất đi một phần đất sản xuất nhưng bù lại họ cũng được rất nhiều. Từ khi có đường rộng, việc vận chuyển, buôn bán nông sản của người dân thôn Tuy Bình thuận lợi hơn. Xe tải có thể vào tận ruộng, rẫy để chở sắn, mía với số lượng nhiều hơn. Từ đó, người dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Riêng gia đình ông Đãi, từ một hộ khó khăn, nay đã có cuộc sống ổn định với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ trồng mía, nuôi bò. “Hiện nay, mặc dù đường từ thôn Tuy Bình đến xã Ea Bia đã dễ đi hơn nhưng vẫn còn là đường đất. Hàng năm, người dân vẫn phải góp tiền tu bổ vì đường rất dễ hư hỏng, xuống cấp sau những vụ thu hoạch nông sản. Vì vậy, chúng tôi mong muốn đường được bê tông hóa khang trang, bền vững để việc đi lại thuận tiện hơn nữa”, ông Đãi nói.
Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết từ một con đường mòn, chưa được thông tuyến đến nay, đường từ thôn Tuy Bình đi xã Ea Bia đã rộng gần 5m, bằng phẳng, dễ đi hơn trước. Kết quả này có được phần lớn nhờ vào công sức của người dân. Trong đó, ông Phan Trọng Đãi là người tiên phong hiến đất, bỏ tiền sửa đường và vận động thêm người thân, hàng xóm cùng làm. Ghi nhận những đóng góp của ông Đãi, mới đây UBND xã đã khen tặng ông trong dịp xã đón bằng công nhận xã nông thôn mới.
Theo Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây Trần Văn Ân, xã đã có kế hoạch nâng cấp, làm mới hệ thống cầu cống trên đường từ thôn Tuy Bình đi xã Ea Bia. Nhưng qua tính toán, xã nhận thấy cần làm đường chịu được trọng tải lớn để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, chi phí đầu tư nhiều, vượt quá sức dân nên cần cân đối lại các nguồn lực để thực hiện. |
VIỆT AN