Thứ Sáu, 11/10/2024 17:18 CH
Quốc hội thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)
Thứ Ba, 05/04/2016 16:51 CH

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 5/4 - Ảnh: TTXVN

Với 89,88% đại biểu có mặt tán thành, sáng 5/4 dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Trong đó đáng lưu ý, luật giữ nguyên độ tuổi của trẻ em là dưới 16 tuổi.

 

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.

 

Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án (phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”).

 

Kết quả lấy phiếu cho thấy: có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số đại biểu Quốc hội; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Ủy ban TVQH đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại luật hiện hành.

 

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cũng bổ sung những quy định về quan điểm hạn chế tình trạng vị thành niên mang thai và chống nạo phá thai trên cơ sở tăng cường chăm sóc, giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho trẻ em.

 

Theo đó, Ủy ban TVQH tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đã bổ sung quy định về việc Nhà nước bảo đảm “hỗ trợ” trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi; đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về việc “hỗ trợ” trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi tại khoản 2 Điều 84.

 

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) gồm 7 chương 106 điều. Ngày 23/3/2016, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo luật này và đã có 20 ý kiến phát biểu tại hội trường, 1 ý kiến bằng văn bản.

 

Cũng trong sáng 5/4, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Báo chí (sửa đổi) gồm có 6 chương, 61 điều. Phát biểu giải trình trước Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề theo gợi ý thảo luận của đoàn thư ký kỳ họp.

 

Về ý kiến cho rằng nên cho phép tư nhân được thành lập cơ quan báo chí. Theo UBTVQH, dự thảo luật đã dành một chương (chương II) quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định cụ thể công dân được tham gia vào mọi công đoạn trong hoạt động báo chí như: sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo chí.

 

Dự thảo luật đã quy định cụ thể các lĩnh vực tư nhân được liên kết với cơ quan báo chí. Khoản 2 Điều 14 cũng đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu trong đó có nhiều cơ sở do tư nhân thành lập, được có tạp chí khoa học. Từ những phân tích trên đây, UBTVQH cho rằng, quy định như dự thảo luật là phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hiện nay.

 

Trong đó đáng lưu ý như “Về quyền và nghĩa vụ của nhà báo (điều 25)”, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo tại luật. Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy dự thảo luật đã có những quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo như hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, các quy định về nghĩa vụ của nhà báo và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã giao trách nhiệm cho Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như dự thảo luật.

 

Về ý kiến đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này. Theo UBTVQH: Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ.

 

Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.

 

Về cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, Luật Báo chí hiện hành và dự thảo luật đều quy định: nhà báo“được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

 

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định hình thức xử phạt đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như hành hung hay làm thiệt hại tài sản của nhà báo; Nghị định 159/2013/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt hành chính cụ thể trong hoạt động báo chí.

 

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, có ý kiến cho rằng quy định thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí là không khả thi vì hiện nay có một số lượng lớn cộng tác viên, phóng viên sử dụng thẻ cộng tác viên, giấy giới thiệu để hoạt động báo chí. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bỏ quy định này. 

 

Về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo, một số ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định về đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo là quá rộng, nên quy định thẻ nhà báo chỉ được cấp cho những người trực tiếp tham gia hoạt động báo chí, có tác phẩm báo chí và gắn với một cơ quan báo chí cụ thể.

 

Theo UBTVQH, dự thảo luật chỉ quy định các đối tượng thuộc diện được xét cấp thẻ nhà báo. Đây đều là những đối tượng tham gia hoạt động báo chí. Các đối tượng nói trên chỉ được cấp thẻ nhà báo khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 27. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên nội dung quy định như dự thảo luật.

 

Một số ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo là có thời gian công tác từ 1 đến 2 năm thay vì quy định 3 năm. UBTVQH nhận thấy quy định này không phù hợp với trường hợp người làm báo đã nghỉ hưu và tổng biên tập tạp chí khoa học. Do vậy, UBTVQH đã chỉnh sửa thể hiện như điểm c khoản 1 điều 27 dự thảo luật.

 

L.H (tổng hợp từ VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek