Thứ Năm, 10/10/2024 08:15 SA
Sớm ban hành quy chế xem xét, quyết định những dự án do Quốc hội chủ trương đầu tư
Thứ Năm, 31/03/2016 08:55 SA

Đại biểu Đinh Văn Nhã phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: CTV

(Phát biểu của ĐBQH Đinh Văn Nhã tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII)

 

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 11 về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); báo cáo Công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước, đại biểu Đinh Văn Nhã (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đã có bài phát biểu góp ý. Báo Phú Yên trân trọng trích giới thiệu đến bạn đọc ý kiến góp ý này.

 

Tôi cơ bản thống nhất ý kiến phát biểu của nhiều ĐBQH. Đánh giá cao dự thảo báo cáo tổng kết cũng như tán thành nhiều ý kiến nêu lên điểm chúng ta còn phải tiếp tục sửa đổi bổ sung để báo cáo phải hoàn chỉnh hơn.

 

Nói đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã ca ngợi những thành tích, trong đó có những thành tích đi vào lịch sử; phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

 

Tôi rất tâm đắc với một kết quả rất quan trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội ta đã thể hiện sự đoàn kết, tự đổi mới, thống nhất trong ý chí, trong nhận thức đưa đến thống nhất trong hành động và đổi mới phương pháp làm việc, thể hiện rõ nét trong nội dung Nghị quyết 27 về một số cải tiến và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo, tôi thấy báo cáo thể hiện phương pháp trình bày, đánh giá kết quả thực hiện ba chức năng của Quốc hội trên cơ sở thực hiện quy định đổi mới được quy định trong Nghị quyết 27. Qua đó, nếu ĐBQH nhớ Nghị quyết 27 đổi mới cải tiến cái gì, trên từng lĩnh vực, ba chức năng quan trọng thì chúng ta cảm thấy nhiều quy định mới của Nghị quyết 27 đã đi vào cuộc sống. Nổi bật là những quy định liên quan đến cải tiến và đổi mới ở hai lĩnh vực lập pháp và lĩnh vực giám sát tối cao. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ thì có quy định cải tiến đổi mới, một số vấn đề đã được luật hóa và sắp tới một số luật sẽ có hiệu lực chúng ta sẽ tiếp tục làm, một số quy định đổi mới chưa được luật hóa thì chúng ta vẫn thực hiện theo Nghị quyết 27 để các nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới có căn cứ pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động.

 

Tôi xin đề nghị với Quốc hội hai kiến nghị. Thứ nhất là để tiếp tục có căn cứ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hành hoạt động nội bộ các cơ quan phục vụ cho hoạt động Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ban Thư ký Quốc hội bổ sung thêm chức năng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, giám sát việc thực hiện quy định đổi mới theo Nghị quyết 27 và các quy định pháp luật sắp tới liên quan đến hoạt động của các cơ quan Quốc hội đã được quy định ở một số luật sắp có hiệu lực, vì hiện nay đã được quy định ở một số luật.

 

Qua báo cáo, tôi thấy chúng ta đọc dự thảo báo cáo nhưng không biết những quy định đổi mới đấy, những quy định nào chưa đi vào cuộc sống, nguyên nhân vì sao và các cơ quan Quốc hội thì cơ quan nào làm tốt, cơ quan nào làm chưa tốt? Hiện nay chúng ta cũng không có một bộ phận nào của Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo dõi giám sát, tổng kết để có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc nhở, đôn đốc việc sơ kết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, nhiều quy định, nghị quyết của Quốc hội rất quan trọng bị trôi đi cả nhiệm kỳ mà không được nhắc nhở và khó đi vào cuộc sống. Đấy là chức năng mà tôi nghĩ Ban thư ký có đủ nhân lực, điều kiện giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tổng kết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện những quy định, nghị quyết của Quốc hội.

 

Vấn đề thứ hai rất quan trọng mà chưa đi vào cuộc sống, đó là Nghị quyết 27 giao cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội có nhiệm vụ cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, ngân sách, kể cả những dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Trong Nghị quyết 27 chỉ có 3 khoản quy định có tính chất nguyên tắc rất chung, chỉ giao nhiệm vụ. Trước và sau khi có Nghị quyết 27 trong lĩnh vực ngân sách, chỉ có 2-3 cơ quan quan tâm đến vấn đề này, còn lại phần lớn các cơ quan không cho ý kiến về lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngân sách mà mình phụ trách theo Nghị quyết 27. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là Quốc hội giao cho các cơ quan, nhất là Hội đồng Dân tộc và các ủy ban mà tuyệt đối về cơ cấu là đại biểu không chuyên về ngân sách, cho ý kiến về ngân sách quả thực là một nhiệm vụ rất khó. Một nguyên nhân nữa là mới chỉ giao nhiệm vụ, nhưng tham gia như thế nào, theo quy trình, trình tự và trách nhiệm tham gia đến đâu thì chưa rõ, nên dẫn đến lúng túng.

 

Nghị quyết 27 giao cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban KH-CN và môi trường, Ủy ban Tài chính và ngân sách là chủ trì tiếp nhận ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thì chủ trì, tiếp nhận, tổng hợp hay chủ trì có tiếp thu cũng không rõ ràng. Để vấn đề này đi vào cuộc sống, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm ban hành một số quy chế xác định rõ trình tự, thủ tục và trách nhiệm hợp lý về sự tham gia của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngân sách, về việc xem xét quyết định những dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội chủ trương đầu tư phê duyệt. Đây là 3 vấn đề mà tôi cho rằng rất quan trọng cần phải có hướng dẫn - có thể là 3 quy chế riêng, hoặc 1 quy chế lồng ghép rõ ràng về trình tự thủ tục và trách nhiệm đơn vị tham gia và trách nhiệm chủ trì.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek