Trong phiên làm việc chiều 30/3, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường |
Lúc 15 giờ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại đoàn ĐBQH về đề nghị miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu gồm 25 thành viên, do ông Huỳnh Văn Tý (đoàn Bình Thuận) làm trưởng đoàn. Có 477/494 đại biểu tham gia bỏ phiếu. Kết quả: phiếu miễn nhiệm chức vụ hợp lệ: 473, phiếu không hợp lệ: 4. Đồng ý là 431 phiếu, không đồng ý là 42 phiếu (8,5%). Phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia: 430 phiếu đồng ý, không đồng ý 41 phiếu. Như vậy, Quốc hội đồng ý miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia với đồng chí Nguyễn Sinh Hùng.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo nghị quyết miễn nhiệm ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố để đại biểu thông qua. Dự thảo nghị quyết có hai nội dung: Thứ nhất, quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với đồng chí Nguyễn Sinh Hùng. Thứ hai, quyết định này có hiệu lực từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia mới.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 30/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với đồng chí Nguyễn Sinh Hùng. Quốc hội đã thảo luận ở đoàn để trao đổi về đề nghị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội khóa XIII là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (SN 1946), quê quán Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; ĐBQH khóa X, XI, XII, XIII. Ngày 23/7/2011 đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIII (2011-2016) với 91,4% phiếu bầu. Chiều 24/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Cũng trong chương trình làm việc sáng 30/3, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và bắt đầu kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) cho thấy đa số ý kiến đại biểu nhất trí sửa tên luật thành “Luật Điều ước quốc tế” để đảm bảo tính khái quát, dễ hiểu. Một số ý kiến khác đề nghị nên giữ tên luật như luật hiện hành để phù hợp với nội hàm điều chỉnh của luật và không gây hiểu nhầm là luật quy định về nội dung các điều ước quốc tế.
Đề cập tới mối quan hệ giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước, các đại biểu đề nghị cần xem xét, xác định rõ vị trí của điều ước quốc tế trong mối tương quan với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Quy định của dự thảo luật là điều ước quốc tế không được trái Hiến pháp và ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Các đại biểu cho rằng như thế có thể hiểu điều ước quốc tế dưới Hiến pháp nhưng trên luật cho dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả Hiến pháp nên quy định như khoản 1 Điều 6 “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế” là chưa đầy đủ, chưa chính xác và đề nghị sửa lại “trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế” để thống nhất được khoản 5 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 1 Điều 3 của dự thảo.
Đề nghị bổ sung thêm quy trình xem xét điều ước trình ra Quốc hội, các đại biểu thấy rằng dự thảo đã quy định trình tự cụ thể đối với loại điều ước quốc tế trình ra Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập, từ bỏ, chấm dứt, rút khỏi điều ước quốc tế. Tuy nhiên có 2 loại nội dung dự thảo không quy định quy trình, thứ nhất là khi trình Quốc hội chấp nhận hoặc phản đối, bảo lưu và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu thấy rằng cần thiết bổ sung thêm quy định này trong dự thảo luật.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, ban soạn thảo dự luật sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại kỳ họp này.
Hôm nay (31/3), Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Q. THUẦN (tổng hợp)