Thứ Năm, 10/10/2024 10:27 SA
Cần tăng đại biểu chuyên trách và nâng tính chuyên nghiệp
Thứ Tư, 30/03/2016 08:43 SA

(Phát biểu của ĐBQH Đào Tấn Lộc tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII)

 

Trong phiên thảo luận mới đây ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), ĐBQH tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đã phát biểu ý kiến thảo luận. Báo Phú Yên trân trọng trích đăng nội dung phát biểu trên.

 

Đồng chí Đào Tấn Lộc phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: N.TUẤN

 

Trước hết, tôi nhất trí với báo cáo đánh giá nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu trước tôi. Có thể nói Quốc hội khóa XIII có rất nhiều mặt tốt hơn so với Quốc hội các khóa trước, thể hiện ở chỗ sôi động, dân chủ và quyết liệt hơn. Nhưng tôi muốn xin nhìn với một góc cạnh khác. So với các khóa trước, khóa XIII không “hơn” thì mới là lạ, nếu “hơn” thì không có gì lạ. Bởi vì, khóa XIII được kế thừa kinh nghiệm, nói hình tượng là “đứng trên vai” các khóa trước. Xã hội phát triển hơn, đất nước hội nhập quốc tế sâu hơn, nên chúng ta có điều kiện tiếp cận với nhiều thông tin mới. Điều kiện hoạt động của Quốc hội tốt hơn như các đại biểu đã nói, từ nhà làm việc đến trang bị công nghệ thông tin... đều tốt hơn. Muốn so sánh, theo tôi thì phải đặt trong bối cảnh đất nước cùng thời và lấy tiêu chí đáp ứng yêu cầu của xã hội, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân làm tiêu chí căn bản như đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu.

 

Tôi có may mắn được tham gia Quốc hội khóa VIII trước đây và cũng chỉ khóa VIII nên không so được với các khóa khác. Lúc đó, đất nước chúng ta bị bao vây cấm vận, chiến trường giúp bạn Campuchia đang diễn ra, cơ chế bao cấp nặng nề, có nhiều người đói ăn, đồng lương thấp; đại biểu Quốc hội ngủ 3 người/phòng và không có điều hòa như bây giờ, phụ cấp hoạt động Quốc hội có mấy nghìn đồng, 6 tháng phụ cấp mua được 4 bịch kẹo Hải Hà về cho con là vui; không có máy tính, không có điện thoại di động, không có Văn phòng Đoàn phục vụ như bây giờ.

 

Nhưng Quốc hội khóa VIII đã tập trung thể chế hóa được đường lối của Đại hội VI thành ra các nghị quyết xóa cơ chế bao cấp, xóa ngăn sông cấm chợ, bỏ thuế nông nghiệp cho nông dân theo di chúc Bác Hồ, xóa học phí cho học sinh tiểu học, thực hiện cơ chế khoán sản phẩm và giao ruộng đất ổn định cho nông dân. Đặc biệt, hoàn thành Hiến pháp năm 1992 tạo nền tảng cho việc đổi mới hoàn toàn cơ chế quản lý, xác lập quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền công dân, xác lập nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong Hiến pháp... Có thể nói đó là những đóng góp rất có ý nghĩa, tạo được niềm tin rất tốt của nhân dân với Đảng. Tôi nói điều này là không hề muốn nói là Quốc hội khóa XIII chúng ta đóng góp ít hơn mà chỉ nhằm muốn nói là chúng ta cần một cách nhìn khác để suy nghĩ, so sánh và với mong mỏi là phấn đấu tốt hơn, tự đánh giá nghiêm khắc hơn, làm cho Quốc hội ta ngày càng xứng đáng hơn với nhân dân, với đất nước.

 

Thứ hai, về những ưu điểm trong Quốc hội khóa XIII. Tôi cũng rất nhất trí như ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi về kết quả nổi bật là việc xây dựng Hiến pháp năm 2013, là một Hiến pháp có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển đất nước. Cùng với Hiến pháp là hệ thống luật đi theo nhằm thể chế hóa Hiến pháp, cũng như những luật liên quan đến quyền công dân, quyền con người theo hướng tiếp cận dân chủ hơn. Việc giám sát và chất vấn, trả lời chất vấn có những nghị quyết rất chặt chẽ, cụ thể, có cơ sở để Quốc hội theo dõi việc thực hiện sau đó của người chịu giám sát. Đáng lưu ý là lần đầu tiên bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ở đây tôi có ý kiến khác với một vài đại biểu nói 3 mức tín nhiệm là không phù hợp.

 

Tôi cho rằng mục tiêu của chúng ta là “cảnh tỉnh” để các đồng chí được bầu khắc phục khuyết điểm nếu có, sau đó mới “bỏ” hay “giữ”, chứ không phải mục tiêu là “loại bỏ”, cho nên 3 mức trong lấy phiếu tín nhiệm tôi thấy hợp lý. Quốc hội khóa XIII làm công tác nhân sự chủ chốt của Nhà nước trong kỳ họp cuối, là một việc mới mà từ trước đến giờ không thấy.

 

Việc tổ chức sinh hoạt của Quốc hội rất văn hóa, dân chủ và cởi mở. Tôi chỉ tiếc là cơ chế bấm nút tuy rất hiện đại nhưng không đáp ứng yêu cầu tranh luận trong Quốc hội. Khóa VIII tuy cầm phiếu phát biểu “vẫy vẫy” đăng ký nhưng còn tranh luận với nhau được, còn bây giờ không biết tranh luận chỗ nào. Cần nghiên cứu một cơ chế để tranh luận, nếu không “cứ mạnh ai nấy nói” thì ý nghĩa, tác dụng thấp.

 

Việc tổ chức Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) tạo ra một chuẩn mực mới trong việc tổ chức IPU tại các nước. Đây có thể nói là một thành tựu rất lớn trong đối ngoại nghị viện. Tôi được tiếp cận IPU ở một nước khác và tham dự sinh hoạt của Quốc hội một số nước, tôi so sánh thấy Quốc hội ta thực hiện rất tốt, rất đáng tự hào, không có việc gì phải lo lắng.

 

Thứ ba, về một số hạn chế cần được khắc phục để Quốc hội ta hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.

 

Một là, chất lượng xây dựng luật là điều đáng nói nhất, thậm chí một số luật mới làm phải sửa. Trong kỳ họp này có 2 luật, một luật về thuế và một luật về xuất, nhập cảnh mới có hiệu lực phải sửa một số nội dung do khi xây dựng luật đã không chú ý kỹ. Cần nghiên cứu có chế tài đối với người soạn thảo, người thẩm tra khi xảy ra trường hợp tương tự thời gian đến. Bên cạnh đó là việc thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành luật sau khi ban hành luật mà chúng ta thường nêu là lỗi của Chính phủ. Theo tôi, Quốc hội cũng rất có lỗi, bởi vì trách nhiệm của chúng ta là chưa giám sát đầy đủ và quyết liệt, đôn đốc Chính phủ sớm có những văn bản dưới luật để sớm đưa luật vào cuộc sống.

 

Hai là, cơ chế tranh luận ở diễn đàn Quốc hội còn hạn chế như đã nói ở trên. Cần nghiên cứu một loại nút bấm riêng dành cho việc tranh luận ngay với người phát biểu trước mình, thời gian trong mấy phút, nếu không chờ sau vài ba chục người phát biểu nữa mới có cơ hội nói lại thì không có ý nghĩa gì. Đây là một việc cần thiết phải sớm khắc phục.

 

Ba là, cơ chế tuyển chọn để bầu đại biểu Quốc hội. Theo tôi, cơ cấu là cần thiết nhưng với cách cơ cấu như hiện nay là một bài toán quá khó cho nhiều địa phương. Chỉ có mấy suất đại biểu mà đặt ra vừa có cơ cấu hơn 1/3 là nữ, cơ cấu trẻ, cơ cấu tái cử, cơ cấu ngành... không biết làm cách nào để chuẩn bị tốt hơn. Vì vậy dẫn đến có những đại biểu phải gánh nhiều cơ cấu nên khó đáp ứng yêu cầu thực chất về năng lực hoạt động.

 

Việc hạn chế tuổi đối với đại biểu hiện nay theo tôi quá cứng. Kinh nghiệm tích lũy làm chính trị, tiếp cận thực tiễn, tiếp xúc cử tri là kinh nghiệm một đời, không nên chỉ vì có quá mấy tháng tuổi mà không cho tái cử đối với đại biểu chuyên trách. Còn nhiều đồng chí có kinh nghiệm hoạt động chính trị theo tôi có thể chỉ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khi thôi không làm lãnh đạo. Các đồng chí đó tích lũy kinh nghiệm rất nhiều, khi tiếp xúc với dân, với cử tri nắm vấn đề rất nhanh, cũng không ngại gì khi phát biểu ở các diễn đàn, rất có lợi cho hoạt động của Quốc hội.

 

Cần tăng đại biểu chuyên trách và nâng tính chuyên nghiệp. Như đại biểu trước tôi đã nói rất đúng, chuyên trách mà không chuyên nghiệp cũng không có nghĩa gì. Nhiều người chuyên trách nhưng không chuyên nghiệp, thay đổi thường xuyên, thiếu ổn định, đặc biệt là có địa phương qua mỗi nhiệm kỳ lại thay Phó Trưởng đoàn chuyên trách làm cho đoàn đại biểu gặp khó khăn trong hoạt động. Cần nghiên cứu sớm xây dựng đội ngũ đại biểu có tính chuyên nghiệp.

 

Thứ tư, về một số vấn đề khác. Sự lãnh đạo của Trung ương đối với Quốc hội là hết sức cần thiết để bảo đảm cho Quốc hội hoạt động đúng định hướng và hiệu quả. Theo tôi làm sao cố gắng giữ nguyên tắc “cứng trong nhân sự, trong mục tiêu, nguyên tắc, nhưng rất mở trong nhiệm vụ, giải pháp”, kể cả giải pháp bố trí ngân sách và giải pháp trong xây dựng luật pháp… Có như vậy, Quốc hội mới có thể chủ động thảo luận và quyết định tốt các vấn đề lớn của đất nước.

 

Về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, văn bản hướng dẫn theo hướng tách ra rất độc lập với địa phương. Tôi thấy điều này không có lợi, nếu xác lập nguyên tắc song trùng lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội và địa phương sẽ thuận lợi cho hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Lãnh đạo địa phương có thể hỗ trợ thêm về điều kiện làm việc, phối hợp công việc, cũng như thuận lợi hơn về công tác cán bộ. Cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH dưới đó làm việc tốt thì tỉnh có thể luân chuyển, điều động làm những vị trí cao hơn để tạo điều kiện cho đội ngũ này phát triển về sau.

 

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek