Thứ Năm, 07/11/2024 10:27 SA
Ông Sáu tàn, nhưng không phế
Thứ Ba, 29/03/2016 08:14 SA

Dù bị liệt tay chân nhưng ông Hồ Văn Sáu ở thôn Long Uyên, xã An Dân (huyện Tuy An) vẫn nỗ lực vượt lên số phận, trở thành người “tàn nhưng không phế”. Mấy chục năm qua, dù đi lại rất khó khăn nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời, luôn nở nụ cười trên khuôn mặt của mình.

 

Ông Hồ Văn Sáu - Ảnh: T.NHUNG

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 8 anh chị em, nhưng ông không được may mắn như những người thân của mình. Ông mang trong người căn bệnh di truyền - teo cơ. Lên 18 tuổi, tay chân ông Sáu bắt đầu có dấu hiệu bị teo cơ và sức khỏe yếu dần. Đến năm 45 tuổi, tay, chân ông không thể làm việc được. Đây cũng là lúc gia đình ông khó khăn nhất, vì vợ ông cũng bị đau khớp, trong khi phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Bằng quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi của mình, ông Sáu vẫn hàng ngày cố gắng bước đi trên đôi chân yếu ớt để học hỏi, tìm cách kiếm tiền. Năm 1981, ông làm đội trưởng HTX nông nghiệp của xã, ghi công điểm xã viên trong thôn. Làm được 17 năm thì ông nghỉ ở nhà nuôi heo và đan mây tre.

 

Bà Lan, vợ ông, trải lòng: “Những năm đó, gia đình chúng tôi gần như lâm vào cảnh bế tắc, nhưng chồng luôn động viên tôi cố gắng lo cho các con ăn học tới nơi, tới chốn. Nhưng tôi thì bệnh thường xuyên nên không làm gì được, nhìn chồng vất vả mà thấy xót thương. Cuộc sống càng bế tắc hơn khi con gái vào đại học và hai đứa con trai cũng đang tuổi cắp sách tới trường”.

 

Nhờ sợ giúp đỡ của hàng xóm, những ngày khỏe, bà Lan đi làm thuê, còn ông Sáu thì ở nhà mua tre về đan từng chiếc giỏ để bán. Ba ngày ông mới đan xong một cái giỏ bán được 25.000 đồng. Những hôm sức yếu, ông không đan được hoặc không bán được cái giỏ nào thì cả gia đình phải nhịn đói vì không có tiền mua gạo. Dù vậy, ông luôn lạc quan, động viên gia đình cố gắng và khuyên các con của mình nỗ lực học tập. Hiểu được những nỗi khó nhọc, cực khổ của ba mẹ, nên các con ông ai cũng học giỏi và vào đại học.

 

Giờ đây đã ở ngưỡng gần 70 tuổi, cuộc sống gia đình không còn khó khăn như trước nhưng ông Sáu vẫn duy trì việc đan giỏ tre, bởi với ông, nó như một thứ “văn nghệ” cho cuộc sống đỡ nhàm chán. Bà Nguyễn Thị Hương, hàng xóm của ông Sáu, cho biết: “Ông Sáu là người luôn lạc quan, những lúc bà con gặp khó khăn hay cần giúp đỡ, ông đều giúp rất nhiệt tình”. Còn theo ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng thôn Long Uyên: Dù đi lại khó khăn nhưng ông Sáu vẫn luôn yêu đời. Hễ thôn vận động đóng góp hay tổ chức hoạt động từ thiện gì, ông luôn là người đi đầu và thực hiện tốt.

 

Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với vợ chồng ông Sáu đó là các con của ông đã khôn lớn, tốt nghiệp đại học và có làm việc ổn định. Cô con gái lớn của ông hiện là giáo viên, con trai thứ hai đang làm kế toán cho một doanh nghiệp lớn và con trai út làm thiết kế xây dựng. Ông Sáu đúc kết: “Khó khăn là nấc thang nâng tầm nghị lực và là bàn đạp để những người có đam mê gặt hái thành công trong cuộc sống”.

 

TUYẾT NHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek