Hôm nay (14/3), khắp nơi trong cả nước tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 28 năm Ngày trận chiến Gạc Ma ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam (14/3/1988-14/3/2016).
Cụ ông Hoàng Dỏ (88 tuổi) ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã bày một mâm cỗ tươm tất để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội của con đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma.
Chùa Sinh Tồn ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) tổ chức đồng giỗ cho 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma; quân và dân trên đảo Sinh Tồn làm lễ kỷ niệm tại bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma đặt ở chùa.
Gần 100 công nhân vẫn ngày đêm miệt mài lao động trên công trường xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại phía bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), do Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là công trình của lòng dân do Công đoàn, công nhân, doanh nghiệp, người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đóng góp xây dựng, sẽ hoàn thành vào ngày 14/3/2017.
Ở Phú Yên có hai trong số 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại đảo Gạc Ma là liệt sĩ Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) và Trương Văn Thịnh (phường 9, TP Tuy Hòa). Cứ đến ngày 14/3, các cựu chiến binh (CCB) Trường Sa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cùng gia đình giỗ liệt sĩ Dư và Thịnh, cùng thắp nén nhang nguyện cầu cho hương linh đồng đội của mình cùng về họp mặt.
Chiều tối 14/3, tại trại giống cạnh cầu Cháy ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), gần 600 thành viên Hội CCB Trường Sa của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định... cũng sẽ gặp mặt truyền thống để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã hy sinh anh dũng tại đảo Gạc Ma, và ôn lại những kỷ niệm của một thời cầm súng bảo vệ biển, đảo Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Buổi hội ngộ của những thân nhân các liệt sĩ và CCB Trường Sa với những giọt nước mắt mừng tủi, những cái bắt tay, những vòng tay ôm nhau thật ấm áp, chứa chan biết bao tình cảm sâu sắc, xúc động, thắt chặt thêm mối đoàn kết tình đồng chí, đồng đội. Họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Mỗi người Việt Nam đều có chung cảm xúc khi nói đến sự kiện Gạc Ma - ngày 14/3 và những cái tên anh hùng: Trần Văn Phương, Vũ Huy Lễ, Lê Hữu Thảo, Trần Đức Thông, Nguyễn Văn Lanh... mãi mãi đi vào lịch sử trong trận chiến không cân sức chống lại thế lực bành trướng bá quyền phương Bắc, được ghi danh trong bảng vàng của Hải quân Việt Nam. 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống, hòa máu của mình vào lòng đại dương bao la thiêng liêng của Tổ quốc. Trong lần gặp mặt 14/3 tại Phú Yên năm ngoái, CCB Trường Sa Trần Văn Hùng (TP Tuy Hòa) nghẹn lời: “Tim tôi như đau nhói, như thắt lại khi mỗi lần nghĩ đến những gì xảy ra ở Gạc Ma năm 1988, rất nhiều đồng đội còn rất trẻ của tôi đã nằm lại nơi biển lạnh”.
Có những người lính Gạc Ma, lính Trường Sa lành lặn trở về đời thường và tiếp tục lao vào một cuộc chiến mới trong lặng lẽ với áo cơm để nuôi sống gia đình, để xây dựng quê hương đất nước. Trong số họ có một số người làm ăn thành đạt, khá giả, nhưng cũng có nhiều người long đong, lận đận, đối mặt với biết bao thử thách trong cuộc sống đời thường, chật vật mưu sinh. Song, với phẩm chất “Người lính Cụ Hồ”, hàng năm, họ vẫn đều đặn gặp nhau, sẻ chia, nhiệt tình góp những phần quà tình nghĩa giúp đỡ những gia đình CCB, con em CCB Trường Sa đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, tặng quà cho gia đình những đồng đội đã hy sinh anh dũng giữa đảo khơi xa…
Gạc Ma - nơi biển đảo thiêng liêng, là phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam; và sự kiện Gạc Ma 14/3 như hun đúc thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ hôm nay, để sống có trách nhiệm hơn, vì sự tồn vong, phát triển của đất nước.
NGUYÊN LƯU