Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2016), Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Ở nước ta, Hồ Chí Minh để lại một di sản tư tưởng vô giá; một phong cách làm việc mẫu mực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý học tập và làm theo. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng đến các thế hệ học trò của Người, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng. Phong cách lãnh đạo Phạm Văn Đồng nằm trong dòng chảy và thuộc phạm trù phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Ở đồng chí, chúng ta thấy hiện lên một phong cách lãnh đạo mẫu mực, hàm chứa nhiều giá trị sâu sắc, vừa là một kiểu mẫu hiện thực sinh động, vừa là hiện thực hóa việc học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.
KẾT HỢP TÍNH NGUYÊN TẮC CỨNG RẮN VỚI BIỆN PHÁP THỰC HIỆN LINH HOẠT, MỀM DẺO
Yêu cầu đầu tiên trong phong cách làm việc của người lãnh đạo, quản lý là phải có sự thống nhất giữa tính Đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. Đồng chí Phạm Văn Đồng thực hiện triệt để chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải: Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc.
Trong công tác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người lãnh đạo, quản lý có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ở đây cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Những vấn đề có tính cương lĩnh, quan điểm cơ bản của Đảng, mục tiêu, chính sách, pháp luật của Nhà nước là bất biến, phải giữ vững như sắt đá. Để thực hiện những điều bất biến đó, các hình thức, phương pháp, biện pháp, bước đi phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt mới có thể đạt kết quả. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người lãnh đạo quản lý phải có bản lĩnh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu đấu tranh bất biến của Đảng ta và dân tộc ta. Con đường đi đến mục tiêu đó là con đường đấu tranh lâu dài, đầy khó khăn gian khổ, đòi hỏi trí tuệ, sự hy sinh, phấn đấu của nhiều lớp người, nhiều thế hệ. Trong mỗi bước đi lên, cách mạng phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi khó lường. Người cách mạng, các nhà lãnh đạo, quản lý phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, nhạy bén để linh hoạt biến đổi sách lược, có những hình thức, biện pháp đấu tranh biến hóa thích hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể, đối tượng, con người cụ thể trong mỗi bước đi lên của cách mạng đặt ra.
KẾT HỢP TÍNH CÁCH MẠNG VỚI TÍNH KHOA HỌC
Người lãnh đạo phải có nhiệt tình cách mạng kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học, tôn trọng và tuân theo quy luật khách quan. Tính khoa học trong phong cách làm việc phải được đảm bảo bằng sự hiểu biết, tri thức khoa học tự nhiên, xã hội - nhân văn, nhất là khoa học tổ chức và khoa học về con người, do vậy, Phạm Văn Đồng thường xuyên học tập, lấy tự học làm cốt. Đồng chí quan niệm: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, học để tiến bộ; chức vụ càng cao, càng muốn tiến bộ càng cần phải học. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn ra sức phấn đấu, làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức, lý luận chính trị của mình, kể cả cách nói, viết, diễn đạt, góp phần làm phong phú, trong sáng tiếng Việt.
KẾT HỢP TẬP THỂ LÃNH ĐẠO VỚI CÁ NHÂN PHỤ TRÁCH VÀ QUYẾT ĐOÁN
Là những người có trọng trách trong một tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, tập thể. Thực hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phạm Văn Đồng thấu hiểu: Một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề phức tạp, cũng như không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị và đời sống xã hội. Cho nên, cần phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của tập thể, đông đảo quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành sự nghiệp của một tập thể, một đơn vị hay địa phương mà riêng một mình cán bộ lãnh đạo, quản lý không làm nổi. Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Lãnh đạo, quản lý không phát huy trí tuệ tập thể sẽ dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, chuyên quyền.
Tuy nhiên, có ý thức tập thể cao, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng lại không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc sống đòi hỏi và công việc cũng không thể tiến triển được.
Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ nhiều năm, đồng chí lưu ý các cán bộ lãnh đạo, quản lý rằng: “Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cứ đưa ra bàn mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy là hiểu máy móc. Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ. Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định”.
Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp chặt chẽ giữa cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, trước quốc dân đồng bào, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của người cán bộ, đều trái với nếp nghĩ, tác phong làm việc Phạm Văn Đồng.
NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có lý luận mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời phải biết liên hệ lý luận với thực tiễn trong công tác. Một trong những yêu cầu về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải có năng lực vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta”. Phạm Văn Đồng luôn lấy những chỉ dẫn này làm thước đo hoạt động lãnh đạo của mình trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.
Điểm nổi bật nhất ở Phạm Văn Đồng, chính là luôn có sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, tư tưởng và hành động, nói đi đôi với làm, nói đúng, nói hay và làm giỏi. Cả cuộc đời cách mạng đầy phong ba, bão táp của đồng chí là một bài học lớn chiếu sáng nguyên tắc tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc - nói đi đôi với làm. Bởi lẽ, đồng chí biết rằng: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Với người lãnh đạo, quản lý, phải lấy kết quả thiết thực trong hoạt động gắn với việc nâng cao đời sống nhân dân làm thước đo sự cống hiến và giá trị nhân cách.
PHONG CÁCH LÀM VIỆC QUẦN CHÚNG, TẬN TỤY VỚI CÔNG VIỆC
Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên cán bộ, đảng viên nói chung và các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mọi công tác của Đảng, Chính phủ, Đoàn thể, phong cách làm việc tốt nhất là phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích, nghiên cứu và sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng và làm thành ý kiến của quần chúng; làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó có đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa các khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.
Tham gia các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, quyền cao, chức trọng, nhưng Phạm Văn Đồng không xa cách với quần chúng. Đồng chí có phong cách sống và làm việc sâu sát với thực tiễn, gần gũi với nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui và nỗi vất vả của người dân. Với quần chúng, Phạm Văn Đồng vừa là người đồng hành, vừa là người dẫn dắt.
Cũng như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng dành nhiều công sức giáo dục cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý phong cách làm việc đi sâu, đi sát quần chúng, mong muốn họ trở thành những người lãnh đạo, quản lý thành công do được dân tin, dân yêu, dân phục, dân theo, dân ủng hộ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Họ phải biết đời sống thực, khả năng thực của nhân dân ra sao? Cần biết được tâm tư, băn khoăn, thắc mắc của quần chúng, để cùng họ kịp thời tháo gỡ.
Cán bộ tỉnh phải đến các huyện, xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và hỏi dân. Đó là phong cách làm việc không bó mình trong văn phòng, bàn giấy; không tự cho mình có địa vị cao hơn; không tạo cho mình vẻ quan cách, khác biệt dân. Liên hệ mật thiết với quần chúng là hòa mình vào cuộc sống của quần chúng, nắm bắt được nguyện vọng, ý chí của quần chúng để dẫn dắt họ, giúp họ thực hiện khát vọng, ý chí của mình.
Dân có tin Đảng, Nhà nước hay không? Đảng, Nhà nước có hiểu dân hay không; có phát huy được sức mạnh của dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào phong cách làm việc và năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phạm Văn Đồng tâm niệm xa rời quần chúng, người cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ giống như cá bị tách ra khỏi nước, mất hết khả năng và sức sống.
CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ
Học và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng với tư cách là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thực hiện chữ Cần với nhiều nghĩa mới, hiện đại. Cần không phải là làm xổi. Cần còn có nghĩa là phải cố gắng hết sức mình trong công tác, học tập trong suốt cả năm, cả đời mỗi người; có chí tiến thủ, không sợ việc gì là khó. Trong phong cách làm việc truyền thống, người Việt Nam còn thiếu sức bền, tính tổ chức và kế hoạch. Cho nên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải rèn luyện phong cách làm việc có sức bền, kế hoạch, biết phân công; đặc biệt biết dùng người, nhất là người có tài.
Đi đôi với Cần là Kiệm. Phạm Văn Đồng hiểu rằng tiết kiệm không phải là keo kiệt, bủn xỉn, coi đồng tiền bằng cái trống. Tiết kiệm là biết chi tiêu một cách khoa học, có hiệu quả nhất. Việc không đáng tiêu, thì một xu cũng không tiêu. Còn khi có việc đáng làm vì lợi ích cho đồng bào, Tổ quốc thì dù tốn bao công của cũng vui lòng. Muốn tiết kiệm có kết quả tốt, phải khéo tổ chức. Thời gian còn quý hiếm hơn vàng bạc. Thời gian sẽ nhiều hơn, ích hơn nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý biết khéo tổ chức sắp đặt công việc, quản lý thời gian, làm việc có chủ đích, kế hoạch.
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí. Người lãnh đạo, quản lý càng phải có phong cách khiêm tốn, giản dị, chống lãng phí, xa xỉ. Cán bộ lãnh đạo quản lý phải liêm khiết, không được tham ô của Nhà nước và nhân dân. Trong lãnh đạo, Phạm Văn Đồng thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh: Liêm là trong sạch, không tham lam. Tất cả mọi công dân đều phải liêm. Song, cán bộ lãnh đạo, quản lý “Phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Đồng thời phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân có hiểu biết, không chịu đút lót, thì dù cán bộ không liêm cũng phải hóa ra liêm.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phong cách quang minh chính đại, thấy việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh. Phạm Văn Đồng thấu hiểu: Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý đã Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người có khí tiết cao thượng; xứng đáng là người dẫn dắt, điều khiển hành động của quần chúng nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có Liêm Chính thì mới có thể chí công vô tư. Ở Phạm Văn Đồng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư không những là phong cách làm việc mà chính là phẩm chất đạo đức cách mạng, nhân cách của con người, nhất là người có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý con người, vì lợi ích và cuộc sống của họ.
Phát huy sức lan tỏa
Để vận dụng phong cách lãnh đạo Phạm Văn Đồng vào việc xây dựng phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay, xin được khuyến nghị một số phương hướng và giải pháp sau đây: Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục phong cách Phạm Văn Đồng về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn Đảng, toàn dân ta. Làm theo tấm gương Phạm Văn Đồng đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đổi mới phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo giá trị phong cách lãnh đạo Phạm Văn Đồng ở nước ta. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với việc xây dựng phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Kiên quyết đấu tranh chống nạn tham nhũng, tệ quan liêu, lãng phí và các tiêu cực trong bộ máy Đảng, Nhà nước ta.
Đó là sự đóng góp thiết thực vào việc thực hiện một nhiệm vụ quan trọng và mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta cần đạt được trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020. Xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có tư duy, phong cách làm việc phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế nhằm sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. PGS-TS PHẠM NGỌC ANH |
Theo TTXVN