Thứ Bảy, 30/11/2024 14:37 CH
“Học Hồ Chủ Tịch, chúng ta học gì?”
Thứ Ba, 24/07/2007 07:00 SA

Tháng 8/1948, đồng chí Phạm Văn Đồng, một trong những người học trò xuất sắc nhất, một trong những người bạn chiến đấu gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã viết bài: “Hồ Chủ Tịch, hình ảnh của dân tộc” để kính tặng đồng bào và chiến sĩ miền Nam Việt Nam. Trong bài này, đồng chí Phạm Văn Đồng có đặt câu hỏi: “Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?” (1).

 

Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, chúng ta học Hồ Chủ Tịch 5 điều:

 

Một là, học trung với nước, hiếu với dân: “Học trung với nước, hiếu với dân là học làm cho nước độc lập và phú cường, dân tự do và hạnh phúc… Học trung với nước, hiếu với dân là học hy sinh tận tụy với nước, với dân như trọn đời Hồ Chủ Tịch đã làm. Hồ Chủ Tịch không có cái gì riêng. Cái gì của nước, của dân là của Người. Quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hằng ngày của dân là sự lo lắng đêm ngày của Người…” (2).

 

Hai là, học đoàn kết toàn dân: “Học toàn dân đoàn kết là học hòa hợp quyền lợi riêng rẽ của mình trong quyền lợi chung của dân tộc, đồng tâm nhất trí với toàn thể nhân dân, mưu cầu lợi ích chung của dân tộc… Học toàn dân đoàn kết là đánh đổ cá nhân chủ nghĩa, bản vị chủ nghĩa, chủ nghĩa “cái gì của tôi là trên tất cả”… Học toàn dân đoàn kết là gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta, nhưng vẫn giữ tất cả cái gì là đặc sắc của chúng ta, vì đó là của quý của dân tộc” (3).

 

Ba là, học phấn đấu: “Đời Hồ Chủ Tịch là một cuộc phấn đấu quyết liệt, kỳ cùng chống đế quốc xâm lược, chống tất cả lực lượng ngăn cản con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam… Học Hồ Chủ Tịch là học tinh thần chiến đấu dũng cảm, mạnh mẽ, gan dạ, dẻo dai, thắng không kiêu, bại không sờn, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng… Học Hồ Chủ Tịch là học phấn đấu chống giặc ngoại xâm, đồng thời cũng học phấn đấu chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc yếu, phấn đấu để kháng chiến, phấn đấu để kiến quốc… Còn phấn đấu chống con người cũ của chúng ta nữa: chống sai lầm, thiếu sót mà mọi người đều phạm”.

 

“Hồ Chủ Tịch thường nói: Không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì cũng phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi… Đây là bài học nghị lực, can đảm, quyết tâm trong mọi việc, mọi cảnh, bài học bền chí, nhẫn nại, khắc khổ trong sinh hoạt gian lao hằng ngày” (4).

 

Bốn là, học lý thuyết, phương pháp khoa học: “Cách mạng là một khoa học, chính trị là một khoa học. Nghĩa là làm cách mạng, làm chính trị phải có một lý thuyết khoa học, một phương pháp khoa học thì mới thành công.

 

Học lý thuyết khoa học của Hồ Chủ Tịch trước hết là tin tưởng vào lẽ phải, vào đạo lý, vào tất cả cái gì tốt đẹp, tin tưởng vào sức lực của trào lưu dân chủ đang tiến tới để thực hiện lẽ phải, đạo lý, tất cả cái gì tốt đẹp ấy.

 

Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ Tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế.

 

Lý thuyết và phương pháp khoa học của Hồ Chủ Tịch, tóm lại, là kháng chiến giành độc lập, thực hiện nền dân chủ cộng hòa, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc” (5).

 

Năm là, học cần, kiệm, liêm, chính: “Chữ cần, chữ kiệm của Hồ Chủ Tịch, dân ta phải học vì nước ta nghèo, lại đương kháng chiến. Mỗi một người chúng ta phải đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, làm ra bát cơm đầy, song chỉ ăn bát cơm lưng.

 

 

Chữ liêm, chữ chính của Hồ Chủ Tịch, dân ta phải học vì đó là hai công đức làm nền tảng cho đời sống công cộng của chúng ta. Liêm và chính trong cử chỉ và hành động, đối với đồng tiền, đối với công việc. Liêm và chính đối với láng giềng, đối với làng xóm, đối với quốc dân.

 

Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của một xã hội suy vong… Cho nên học cần, kiệm, liêm, chính là bài trừ xa xỉ, hối lộ, biển thủ, cờ bạc, đầu cơ, tích trữ, chợ đen, buôn lậu, bài trừ tất cả cái gì xấu xa, mục nát, đồng thời tôn trọng, giữ gìn, vun xới cái gì có ích, có lợi cho đồng bào, cho quốc dân, cho Chính phủ…

 

… Cuối cùng chúng ta học phương pháp học do Hồ Chủ Tịch chủ trương: vừa làm vừa học, làm để học, học để làm, học sách vở đi đối với học thực tế, học kinh nghiệm, nhất là học quần chúng, ông thầy của tất cả chúng ta” (6).

 (1),(2), (3), (4), (5), (6):“Hồ Chủ Tịch, tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại” của đồng chí Phạm Văn Đồng, NXB Sự Thật - 1976 - trang 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33.

NGUYEÃN XUYEÁN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek