Đó là anh Nguyễn Văn Lam ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh). Trong sản xuất, anh đã biết đưa khoa học kỹ thuật vào ứng dụng nên hàng năm đều cho thu nhập cao. Đồng thời hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, anh tự nguyện hiến nhiều diện tích đất ruộng cho xã làm đường bê tông nông thôn. Anh Lam xứng đáng với bằng khen của UBND tỉnh về những đóng góp của mình.
Trước đây, ở thôn Hà Giang, nhiều người cho rằng làm nông nghiệp vất vả, thu nhập lại không đáng bao nhiêu nên đã bán ruộng hoặc cho thuê để đi xa làm ăn. Nhưng anh Lam thì khác, anh bám ruộng, bám đồng đất quê hương và tìm cách làm giàu từ nó. Anh Nguyễn Văn Lam cho biết: “Tôi trân trọng từng mét đất. Mình nghèo vì mình chưa biết làm thôi, chứ đất chẳng phụ công người bao giờ”.
Nói là làm, hàng ngày vợ chồng anh chăm chỉ trên đồng đất. Anh cũng chịu khó học hỏi nâng cao kỹ thuật thâm canh và đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng. Anh còn mở dịch vụ buôn bán nhỏ kết hợp với chăn nuôi tại nhà. Nhờ vậy, mỗi năm, anh có thu nhập từ 100-200 triệu đồng. Anh Lam chia sẻ thêm: Gia đình tôi có 6,4ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 5ha trồng sắn, mía, phần diện tích còn lại để làm lúa nước. Tôi cũng có đàn bò 7 con. Để làm ruộng được thuận lợi, tôi đầu tư 100 triệu đồng mua máy cày. Không chỉ dựa vào kinh nghiệm cha ông để lại, tôi còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để tiếp thu kỹ thuật thâm canh mới cũng như tìm tòi những giống sắn, mía cho năng suất chất lượng cao để đưa vào đồng ruộng nhà mình. Mỗi năm, cây lúa cho sản lượng 12 tấn, tiền bán mía đủ để phục vụ sinh hoạt gia đình. Cây sắn cho sản lượng trung bình 100 tấn/năm, là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Có thu nhập, có tích lũy, tôi đã xây nhà, mở quán làm dịch vụ phục vụ nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày cho bà con trong thôn.
Làm giàu từ ruộng là vậy, nhưng anh Lam cũng sẵn sàng hiến 2.500m2 đất ruộng cho xã làm đường bê tông nông thôn. Chia sẻ về điều này, anh Lam nói: “Nhà nước làm đường là cho mình đi mà. Mình có cho không gì Nhà nước đâu, mình đang cho chính mình và hỗ trợ bà con hàng xóm thôi. Mình thấy lợi ích nhiều lắm từ xây dựng nông thôn mới. Ví như gia đình mình để đưa sắn tới nhà máy phải đi hơn 30km. Ngày trước đường đất khổ vô cùng, cộ bò phải đi từng chút từng chút một, mất nửa ngày hoặc 1 ngày mới tới nơi. Giờ có đường bê tông, xe tải nhỏ vô chở được, mất có hơn 30 phút vận chuyển. Tiết kiệm được thời gian, mình làm được nhiều việc khác, tạo thêm thu nhập lo cho đời sống”.
Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, nhận xét: Nhận thức của anh Nguyễn Văn Lam về xây dựng nông thôn mới rất tốt nên trong suốt quá trình triển khai phong trào, gia đình anh Lam là một trong nhiều hộ tích cực đi đầu đóng góp ngày công và kinh phí. Đặc biệt, khi xã thi công tuyến đường liên xã Sơn Giang - Đức Bình Đông, có đi qua ruộng của nhà anh Lam. Không ngần ngại, anh Lam sẵn sàng hiến đất, không đòi đền bù gì. Nhờ vậy, tuyến đường thẳng, rộng, giúp nối liền xã Sơn Giang với các xã trong huyện. Không chỉ là nhân tố tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, anh Lam còn là nông dân biết vươn lên làm giàu. Những cá nhân điển hình như anh Nguyễn Văn Lam cần được nhân rộng trong nhân dân để thúc đẩy tinh thần chung sức chung lòng giúp xã giữ vững thành quả là xã nông thôn mới.
HẢI PHONG