Thứ Ba, 15/10/2024 12:22 CH
Tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới trên quê hương Đồng khởi Hòa Thịnh
Thứ Tư, 23/12/2015 08:15 SA

 (Trích diễn văn của đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Đồng khởi Hòa Thịnh (22/12/1960 -22/12/2015))

 

Trong niềm phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh ta chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và lập thành tích hướng đến chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hôm nay, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 26 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tại xã Hòa Thịnh Anh hùng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Đồng khởi Hòa Thịnh (22/12/1960-22/12/2015). Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi đến các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các đồng chí đại biểu, cùng đồng bào, đồng chí về dự buổi lễ hôm nay lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: M.KÝ

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đế quốc Mỹ đã vào miền Nam lập chính quyền tay sai, thực hiện mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, nhằm ngăn chặn và bao vây uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện âm mưu này, Mỹ và ngụy quyền tay sai đã dùng chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, ra sức tiêu diệt lực lượng cách mạng và những người yêu nước, xóa bỏ mọi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản trong tư tưởng và đời sống nhân dân. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong từng thôn xóm. Chưa bao giờ cán bộ, đảng viên, đồng bào yêu nước lại hy sinh nhiều như lúc bấy giờ. Tại Phú Yên, chúng gây ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, lập ra hàng loạt nhà giam mới từ tỉnh đến huyện; cơ sở cách mạng bị đánh phá tan rã gần hết; cán bộ, đảng viên từ miền núi đến đồng bằng một số bị đàn áp, khủng bố, bị giết hại và quản chế, số khác phải trốn đi nơi khác hoạt động. Chỉ trong vòng 7 tháng, từ tháng 12/1955-7/1956, có khoảng 2/3 cán bộ chủ chốt sa vào tay giặc. Đến năm 1957, số cán bộ còn lại chưa đến 30% so với thời điểm cuối năm 1954.

 

Ở xã Hòa Thịnh, chúng bắt bớ, thủ tiêu bí mật, đày đi Côn Đảo nhiều cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ cốt cán của xã Hòa Thịnh như: Bí thư, trưởng ban công an, xã đội trưởng, chính trị viên xã đội, hội trưởng nông dân bị chúng bắt đưa đi thủ tiêu chỉ trong một đêm. Đi đôi với khủng bố, địch trắng trợn tịch thu ruộng đất, truy lại tô tức, bóp nghẹt các quyền tự do, dân chủ.

 

Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng mới, đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập, dân chủ và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”, “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng ở tỉnh Phú Yên chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ nhất được tổ chức tại căn cứ Thồ Lồ (huyện Đồng Xuân). Đại hội đề ra những chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào Đồng khởi ở đồng bằng, tuyển thanh niên xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng vùng căn cứ; củng cố và xây dựng cơ sở quần chúng…

 

Tiếp thu tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Hội nghị Đảng bộ huyện Tuy Hòa đã xác định nhiệm vụ lúc bấy giờ là: “Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát triển đội công tác và cơ sở cách mạng. Xây dựng căn cứ địa miền núi làm chỗ dựa tiến lên giải phóng đồng bằng, chuẩn bị mọi mặt tiến tới đồng khởi toàn huyện”. Thực hiện nghị quyết hội nghị, đầu tháng 11/1960, Huyện ủy Tuy Hòa 1 quyết định thành lập 3 đội vũ trang công tác ở miền Đông, miền Trung và miền Tây, để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Vừa mới ra đời, đội vũ trang công tác đã tham gia trừng trị một số tên ác ôn ngoan cố, có nhiều nợ máu với nhân dân ở xã Hòa Mỹ và Hòa Xuân, làm cho nhân dân vô cùng phấn khởi, lực lượng cơ sở phát triển ngày càng đông; bộ máy tề ngụy cơ sở ở nông thôn, miền núi tan rã, số lưng chừng bỏ việc, số viết thư xin đầu thú, số ngoan cố ban đêm trốn vào quận, tỉnh để ngủ, số có liên hệ với cơ sở ra sức thanh minh không làm hại cách mạng; thêm vào đó, vụ đảo chính Ngô Đình Diệm hụt của Nguyễn Chánh Thi (11/11/1960), tin tức về Đồng khởi ở Nam Bộ, về sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) làm cho hàng ngũ địch càng thêm rối loạn. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương chớp thời cơ, phát động quần chúng ở đồng bằng nổi dậy giành chính quyền. Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Huyện ủy Tuy Hòa 1 chọn một xã trên địa bàn để phát động quần chúng nổi dậy đánh đổ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng, từ đó phát triển phong trào Đồng khởi trên toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tuy Hòa 1 quyết định chọn xã Hòa Thịnh làm thí điểm mở đầu cho phong trào Đồng khởi toàn huyện.

 

Xác định vị trí Hòa Thịnh là xã tiếp giáp núi, có địa thế thuận lợi cho việc tổ chức Đồng khởi. Nhân dân Hòa Thịnh giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường, bất khuất. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), nhân dân Hòa Thịnh đã tích cực tham gia nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội, thương binh, đi dân công tiếp vận, làm nhiệm vụ cửa ngõ chi viện các chiến trường Khánh Hòa và Tây Nguyên. Từ năm 1954, mặc dù bị kẻ thù đàn áp, khủng bố ác liệt, nhưng các thôn trong xã đã xây dựng được chi bộ Đảng, chi đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân; các tổ chức đoàn thể đều có cốt cán của quần chúng để thông qua đó lãnh đạo đấu tranh hợp pháp; nhân dân Hòa Thịnh có kinh nghiệm đấu tranh chống trưng cầu dân ý, bầu cử Quốc hội của chính quyền Ngô Đình Diệm; sẵn sàng xuống đường đấu tranh nếu có sự lãnh đạo của Đảng. Có đủ các cơ sở đơn tuyến như: nhà ở, tiếp tế, liên lạc, binh vận để nắm tình hình địch; trong bất cứ trường hợp nào vẫn bảo đảm an toàn, giữ vững vùng căn cứ cho huyện Tuy Hòa. Huyện ủy còn làm công tác tư tưởng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ sở cốt cán ở xã Hòa Thịnh khẩn trương chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, băng rôn, lương thực, thực phẩm, dầu lửa, chai đèn, trang bị cá nhân cho thanh niên, vận động thanh niên sẵn sàng lên đường tham gia lực lượng vũ trang.

 

Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 17/12/1960, tại “Sát Cẩu tử” trên núi Hòn Ông - xã Hòa Thịnh, cuộc họp Huyện ủy bất thường được triệu tập dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Mai để kiểm tra công tác chuẩn bị, quyết định những mục tiêu trong Đồng khởi sắp đến. Thường vụ Tỉnh ủy cử đồng chí Huỳnh Lưu (Bảy Già), Tỉnh ủy viên, đến Tuy Hòa làm phái viên theo dõi thực hiện phương án Đồng khởi, đồng thời chi viện một tiểu đội vũ trang được huấn luyện, trang bị đầy đủ vũ khí. Huyện ủy sử dụng 3 đội vũ trang miền Đông, miền Trung và miền Tây tham gia hỗ trợ Đồng khởi.

 

Đúng 19 giờ tối 22/12/1960, lực lượng tham gia Đồng khởi bắt đầu hành quân từ dốc Đá Ngó, hốc Cây Quăng, Đá Chồng, Hòn Chuối ra đến gò Mả Vôi, thôn Phú Hữu, rồi chia thành 3 cánh:

 

- Cách thứ nhất do đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Mai phụ trách, có đồng chí Huỳnh Lưu - Phái viên của tỉnh, đồng chí Lê Thạnh, đồng chí Nguyễn Chu cùng đi, tiến đến trụ sở xã, nổ súng đánh vào trung đội dân vệ và chuẩn bị cho cuộc mít tinh.

 

- Cánh thứ hai do đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy và đồng chí Dương Dụ (đội phó) chỉ huy tiến ra thôn Mỹ Trung, đột nhập vào nhà bắt tên Nguyễn Khái - Đại diện xã.

 

- Cánh thứ ba do đồng chí Bùi Tân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy phụ trách, đến thôn Phú Hữu, đột nhập vào nhà bắt tên Nguyễn Tín - Phó Đại diện xã và thu toàn bộ con dấu, tài liệu ngân quỹ, mang về trụ sở xã để mít tinh.

 

Ngay từ những phút đầu nổ súng, dân vệ đã bị đánh tan, tên Ngọc - Trung đội phó dân vệ, bị ta tiêu diệt, nhiều tên vứt súng chạy trốn, xin hàng, tên Tín - Phó Đại diện xã bị bắt. Do được vận động từ trước, nên khi nghe tiếng súng nổ ở trung tâm xã, hàng nghìn quần chúng từ các hướng đổ ra đường, mang theo gậy gộc, giáo mác kéo về trụ sở xã tại Mỹ Xuân dự mít tinh. Trong không khí trang nghiêm đầy xúc động trước hàng nghìn quần chúng, đồng chí Lê Xuân Mai - Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1, vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tàn sát, khủng bố đồng bào ta, giết hại cán bộ, đảng viên, trả thù những người kháng chiến cũ, đồng thời biểu dương tinh thần anh dũng của đồng bào không sợ hiểm nguy, hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng đứng lên lật đổ chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm. Tại cuộc mít tinh, tên Phó Đại diện xã cúi đầu nhận tội, nộp hết giấy tờ, tiền bạc, hứa không làm tay sai cho giặc. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn bù nhìn tay sai”, “Cách mạng miền Nam Việt Nam nhất định thắng lợi”. Nhiều thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang giải phóng. Hòa Thịnh trở thành xã đầu tiên của đồng bằng Khu V do chính quyền cách mạng làm chủ. Đúng 3 giờ sáng 23/12/1960, cuộc mít tinh kết thúc cũng là lúc lực lượng vũ trang hành quân tỏa ra các thôn xung quanh, nhân dân chia làm nhiều hướng trở về.

 

Sau Đồng khởi Hòa Thịnh, nhân dân các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Phong, Hòa Hiệp đã tiến hành vũ trang, nổi dậy diệt ác, phá kèm. Tối 24/12/1960, tại xã Hòa Đồng, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng nổi dậy bắt được tên Đại diện xã và mở mít tinh. Tối 25/12/1960, lực lượng vũ trang đột nhập vào xã Hòa Tân bắt tên ác ôn Đại diện xã và 2 tên khác, diệt tên công tác viên của Phòng Nhì. Ngày 27/12/1960, ta đột nhập vào các ấp Phú Nhiêu, Phú Thuận thuộc xã Hòa Mỹ làm công tác phát động quần chúng, sáng ngày hôm sau ta mở mít tinh tại chợ Phú Nhiêu. Hưởng ứng phong trào Đồng khởi trong toàn huyện, nhân dân xã Hòa Hiệp đã vũ trang nổi dậy diệt ác ôn, thu vũ khí, tuyển thanh niên xây dựng lực lượng. Từ Hòa Thịnh - Tuy Hòa 1, phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan ra các huyện Tuy Hòa 2, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Cầu… và đồng bằng Khu V. Trong đợt Đồng khởi, toàn huyện có hơn 1.200 thanh niên nam nữ và hàng trăm cán bộ đã thoát ly vào căn cứ, đi khắp các chiến trường Khánh Hòa, Đắk Lắk làm nhiệm vụ chống Mỹ, ngụy, cứu nước. Sau Đồng khởi, vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên mở rộng với trên 20.000 dân, phong trào sản xuất nuôi quân, đóng góp ủng hộ cách mạng phát triển hơn bao giờ hết. Thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh được Khu ủy Khu V đánh giá cao và khẳng định là điểm mở đầu cho phong trào Đồng khởi ở các tỉnh đồng bằng Khu V. Với thắng lợi này, xã Hòa Thịnh được chọn đi báo cáo điển hình về phong trào Đồng khởi, huyện Tuy Hòa 1 và được Khu ủy V tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhì.

 

Phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh là cuộc nổi dậy mở đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường tỉnh Phú Yên và đồng bằng Khu V trong những năm nhân dân miền Nam đang chìm trong đau thương và uất hận trước kẻ thù hung bạo. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi ở miền Nam trong hai năm 1959 và 1960, trong đó có Đồng khởi Hòa Thịnh là minh chứng sinh động khẳng định Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã cùng với các đảng bộ ở miền Nam quyết tâm hành động, chuyển từ thế bảo toàn lực lượng sang thế tiến công bất ngờ, dồn dập vào khâu yếu của địch, đó là chính quyền cơ sở ở nông thôn. Thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh có vai trò quyết định của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, nhận định đúng tình hình, nắm chắc thời cơ, chọn địa bàn thích hợp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân sự - chính trị - binh vận với lực lượng quần chúng nhân dân trong xã và các xã lân cận… bảo đảm cho Đồng khởi nổ ra giành thắng lợi gọn gàng, nhanh chóng. Cao trào Đồng khởi ở Phú Yên, mà điểm mở đầu là xã Hòa Thịnh là sự sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên trong việc thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở cơ sở, đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào thế bị động. Đồng khởi Hòa Thịnh và ở cả tỉnh Phú Yên là sự gặp gỡ giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên cao trào cách mạng mạnh mẽ.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh đã góp phần vào quá trình xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ cách mạng địa phương. Lực lượng chính trị đấu tranh trực diện với địch được hình thành và ngày càng phát triển vững vàng trong cuộc đấu tranh với kẻ thù. Đông đảo thanh niên thoát ly ra căn cứ, đó là vốn quý ban đầu cho lực lượng vũ trang địa phương. Trên cơ sở phong trào, huyện Tuy Hòa 1 đã xây dựng được một trung đội vũ trang tập trung và 15 đội công tác có vũ trang; tỉnh thành lập Tiểu đoàn 85.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh là cuộc tập dợt đầu tiên về sự kết hợp đấu tranh chính trị, vũ trang và binh vận, tạo thành 3 mũi giáp công. Nét đặc sắc của Đồng khởi Hòa Thịnh là biết dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng để phát động nổi dậy, nổi dậy liên tục mà vẫn duy trì được thế hợp pháp của quần chúng và giành được thắng lợi, trong lúc lực lượng vũ trang còn non yếu, cơ sở Đảng bị tổn thất nặng nề sau các đợt “Tố cộng, diệt cộng” của địch.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường quật khởi của nhân dân, sức mạnh bất diệt của cách mạng và tiếp nối truyền thống anh dũng của quê hương. Thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh, trước hết là thắng lợi của việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, trên cơ sở đường lối đúng đắn của Đảng và sự vận dụng tài tình, sáng tạo vào thực tiễn cách mạng; là điển hình thành công trong chỉ đạo của Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy Hòa về vận dụng nghệ thuật khởi nghĩa từng phần, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiêu diệt ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền cơ sở, thành lập chính quyền cách mạng ở các địa phương. Những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu về thắng lợi của phong trào Đồng khởi vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc về sự tăng cường đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày nay.

 

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, không thể kể hết những hy sinh, mất mát, song nhân dân Phú Yên vẫn chiến đấu kiên cường, một lòng một dạ với Đảng, với cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hướng về cách mạng.

 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh ta đã không ngừng phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường, ra sức khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so năm 2010. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, điện; phủ sóng phát thanh - truyền hình đến 100% xã, phường, thị trấn; mật độ thuê bao điện thoại đạt hơn 96 thuê bao/100 dân; tỉ lệ người sử dụng internet đạt trên 40 người/100 dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

 

Cùng với phát triển kinh tế và đầu tư kết cấu hạ tầng, tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. GD-ĐT tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng; giữ vững và nâng cao tỉ lệ về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hoạt động văn hóa, thông tin cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Mạng lưới y tế không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đạt kết quả tích cực. Công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo đầy đủ, kịp thời; tỉ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 7,7%.

 

Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững ổn định. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai tích cực, đạt một số kết quả bước đầu. Công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tiếp tục được chú trọng và có tiến bộ. Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng được đẩy mạnh, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

 

Những kết quả, thành tựu đạt được nêu trên cho thấy: Truyền thống anh hùng trong kháng chiến của quân và dân Phú Yên đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, góp phần tạo nên bản lĩnh và trí tuệ của người dân Phú Yên để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên cùng với quá trình đổi mới, phát triển của đất nước.

 

Tự hào về những thành tựu đã đạt được, trong những năm tới, Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh đoàn kết toàn dân, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tốt nhất mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động tối đa các nguồn lực để thúc đẩy tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Trước mắt, cần tập trung phổ biến, quán triệt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống; tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

55 năm đã qua, kể từ khi nhân dân xã Hòa Thịnh vùng lên Đồng khởi, mở đầu sự nghiệp giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, nhưng những giá trị của Đồng khởi Hòa Thịnh ngày càng được khẳng định. Nhân dân trong tỉnh nói chung và nhân dân Hòa Thịnh nói riêng đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, ngày nay đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Truyền thống lịch sử hào hùng là lời nhắc nhở, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới trên quê hương Đồng khởi chính là sự tiếp nối xứng đáng bước chân những người đi trước, ghi tiếp trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước.

 

Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn của Đồng khởi Hòa Thịnh, trong những năm qua, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ VH-TT-DL, huyện Tây Hòa đã đầu tư xây dựng hoàn thành công trình Khu Di tích Đồng khởi Hòa Thịnh và tổ chức khánh thành nhân ngày lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa hôm nay. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của Huyện ủy, UBND huyện Tây Hòa; cấp ủy, chính quyền xã Hòa Thịnh; các đơn vị thiết kế, thi công công trình và mong rằng các đồng chí sẽ có những biện pháp hiệu quả để phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, xứng đáng với sự hy sinh cao cả và cống hiến xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước.

 

Phát huy truyền thống cách mạng của Đồng khởi Hòa Thịnh và quê hương Phú Yên, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức xây dựng tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển giàu đẹp.

 

--------------------

* Tựa đề do Báo Phú Yên đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek