Từ một người nghèo khó với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Trọng Sơn (SN 1976) ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) đã nỗ lực, cần cù lao động và thoát nghèo, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tấm gương vượt khó của ông đáng để nhiều người học tập, noi theo.
Do kinh tế quá khó khăn, năm 1990, ông Nguyễn Trọng Sơn cùng cha mẹ rời quê hương Nghệ An đi kinh tế mới ở xã Ea Bar. Trong những năm đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, cuộc sống gia đình ông gặp không ít gian nan. Để trụ lại nơi đất khách quê người kiếm kế sinh nhai, ông Sơn phải đi làm thuê và khai hoang đất để trồng sắn, tạo thêm thu nhập. Đến năm 1993, ông xin vào làm công nhân cho Công ty Cà phê Ea Bá (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) với hy vọng sẽ giúp cha mẹ đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, đồng lương công nhân không giúp gia đình cải thiện được cuộc sống.
Làm công nhân được vài năm, ông Sơn lập gia đình, rồi hai vợ chồng xin nghỉ làm ở Công ty Cà phê Ea Bá. Năm 2002, vợ chồng ông thuê 2ha đất của công ty để trồng cà phê, đồng thời tiếp tục khai hoang đất trồng tiêu và cao su. Ông chia sẻ: “Thời điểm ấy, cà phê đang thịnh, trong khi đó tôi làm công nhân cả chục năm nên nắm vững kỹ thuật chăm sóc cà phê. Vì vậy, tôi mạnh dạn vay tiền đầu tư trồng loại cây này. Khi có tiền đầu tư mua giống, vợ chồng đào hố để trồng cà phê rồi tự tay chăm sóc, cắt tỉa cành. Sau gần 4 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch, có tiền trang trải cuộc sống gia đình”.
Có được ít vốn, ông Sơn tiếp tục khai hoang và nhận chuyển nhượng đất của một số hộ dân khác để trồng cao su và hồ tiêu.
Khi cà phê bắt đầu rớt giá, ông chuyển nửa diện tích đất trồng loại cây này sang trồng tiêu, cao su. “Đến nay, tôi sở hữu 1,6ha tiêu, 2ha cao su, 1ha cà phê và 5 sào sắn. Tổng thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Riêng vụ tiêu mới đây, vợ chồng tôi bán được 500 triệu đồng tiêu khô. Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện cho các con ăn học và xây được căn nhà gần 1 tỉ đồng”, ông Sơn khoe.
Theo ông Sơn, hiện cây tiêu rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Ea Bar nên thường cho năng suất cao. Tuy nhiên, để cây tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao thì phải đầu tư nhiều cho việc chăm sóc, bón phân. “Loại cây này rất khó chăm sóc và thường mắc bệnh. Khi cây đã mắc bệnh thì lây lan nhanh nên mình phải biết phòng trị bằng cách đào mương thoát nước để hạn chế tuyến trùng lây lan và tăng cường bón vôi, rải thuốc”, ông chia sẻ.
Ông Hoàng Đình Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar, nhận xét: “Với sự cần cù, chịu khó làm ăn và học hỏi kỹ thuật trồng trọt, đến nay, ông Sơn không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành người khá giả ở địa phương. Ông là tấm gương để nhiều nông dân khác học tập noi theo. Mới đây ông được Hội Nông dân huyện Sông Hinh tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và đang đề xuất Hội Nông dân tỉnh khen thưởng”.
NGUYỄN CHƯƠNG