Thứ Tư, 13/11/2024 03:03 SA
Việt Nam và Pháp nỗ lực cụ thể hóa các nội hàm đối tác chiến lược
Thứ Năm, 03/12/2015 13:23 CH

Trong thời gian tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo nước chủ nhà Pháp trong ngày 30/11 tại Paris. 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent - Ảnh: TTXVN

 

Các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị đã cho thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo ở cả hai phía là mong muốn thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước để cụ thể hóa các nội hàm quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đã ký kết. 

 

Đây là nhận định của đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã nhắc lại cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Pháp Manuel Valls, các cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và Chủ tịch Hạ viện Pháp Claude Bartolone, buổi tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent. 

 

Thủ tướng cũng đã dành thời gian tiếp một loạt các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Pháp đang có ý định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Với Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc gặp ngắn bên lề trong thời gian tham dự COP21. 

 

Theo đại sứ, việc Thủ tướng tham dự COP21 là một hoạt động đa phương, mặc dù vậy, đây có thể coi như là một chuyến thăm chính thức đến Pháp vì Thủ tướng đã gặp gỡ tất cả các lãnh đạo cao nhất của Pháp nhân dịp này.

 

Theo đại sứ, các cuộc gặp gỡ và buổi tiếp cho thấy một số điểm nổi bật như cả Việt Nam và Pháp đều bày tỏ quyết tâm nâng quan hệ lên cho tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đã ký vào năm 2013. Hai bên thống nhất là về chính trị phải tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. 

 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chính thức mời Thủ tướng Pháp Manuel Valls thăm Việt Nam, chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Tổng thống Pháp François Hollande, của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện của Pháp mời sang thăm Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Pháp đều bày tỏ sự vui mừng và hứa sẽ thu xếp đi thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi.

 

Về kinh tế, cả hai bên đều nhất trí là quan hệ kinh tế hai nước đã phát triển mạnh trong những năm qua. Kim ngạch thương mại song phương là 3,5 tỉ USD năm 2014, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam cũng khoảng 3,5 tỉ USD. Pháp hiện là một trong những đối tác châu Âu quan trọng nhất của Việt Nam. 

 

Tuy nhiên, cả hai bên đều cho rằng mối quan hệ này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và đều mong muốn sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại giữa hai nước. Về trao đổi các lĩnh vực khác như là văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, cả hai bên đều rất vui mừng trước việc hiện nay có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp, con số người Pháp đi du lịch Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch tại Pháp tăng dần hàng năm.

 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh với phía Pháp là Việt Nam là một nước hòa bình, ổn định và an ninh rất tốt; Việt Nam mong muốn nhiều khách du lịch của Pháp sang thăm Việt Nam hơn trong bối cảnh là Việt Nam đã quyết định miễn visa cho khách du lịch Pháp trong thời gian 15 ngày; Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã trang bị máy bay Airbus A350 trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Paris. Đấy là những yếu tố thuận lợi phát triển du lịch. 

 

Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Pháp có những biện pháp tạo thuận lợi về visa cho công dân Việt Nam sang thăm Pháp bởi vì, hiện nay có rất nhiều người Việt Nam muốn được đi du lịch tại Pháp và Pháp cũng là nước có cộng đồng người Việt Nam đông, với khoảng 300.000 người, vì thế nhu cầu đi lại thăm người thân giữa Việt Nam và Pháp là rất lớn. 

 

Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến thị trường Pháp, muốn sang Pháp để tìm hiểu khả năng trao đổi thương mại, đầu tư. Về các lĩnh vực quốc phòng, khoa học công nghệ... cả hai bên đều đã nhất trí sẽ thúc đẩy mở rộng hơn mối quan hệ này theo hướng Pháp chuyển giao công nghệ cao cho phía Việt Nam và tham gia tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

 

Liên quan đến hội nghị COP21, đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia một cách tích cực. Sự tham dự ở cấp cao như vậy thể hiện sự quan tâm rất lớn của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu do Việt Nam cũng là một trong 5 nước bị tác động nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

 

Tại phiên toàn thể ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ quan điểm của Việt Nam cũng như những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chung tay cùng với cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu. 

 

Theo đại sứ, mặc dù Việt Nam là một nước còn nghèo, hạn chế về mặt tài chính, nhưng chúng ta cũng đã rất cố gắng để đóng góp một phần tài chính vào quỹ chung bảo vệ môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu.

 

Trong ngày 30/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiếp xúc với 24 trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị COP21. Tại các cuộc tiếp xúc này, các nước đều đánh giá cao sự tham dự tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và của đoàn Việt Nam được bạn bè quốc tế, đặc biệt là nước chủ nhà Pháp, đánh giá cao vì những đóng góp thiết thực cho thành công của hội nghị.

 

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng Việt Nam rất coi trọng COP21 và mong muốn các nước đi đến một hiệp định có tính ràng buộc để cùng nhau chung tay đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với con người và môi trường trên hành tinh. 

 

Quan điểm của Việt Nam là cần tôn trọng sự khác biệt trong trình độ phát triển của các nước khác nhau, nghĩa là các nước phát triển, các nước giàu vốn đưa ra lượng khí thải carbon nhiều hơn thì phải có trách nhiệm lớn hơn các nước nghèo, các nước ít phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ các nước nghèo về tài chính để chuyển đổi mô hình năng lượng, đầu tư cho năng lượng sạch. Quan điểm này được đại đa số các nước tham gia COP21 chia sẻ.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek