Mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng Huỳnh Thị Phúc Hy không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và trong học tập, luôn là học sinh khá, giỏi.
NGHỊ LỰC VƯỢT KHÓ
Huỳnh Thị Phúc Hy - Ảnh: T.HIẾU |
Phúc Hy là chị cả trong một gia đình có hai chị em, ba mẹ đều làm nghề nông ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa). Cuộc sống gia đình vốn khó khăn, lại càng khó khăn hơn khi mẹ Phúc Hy bỗng dưng mắc bệnh tim sau lần sinh nở thứ hai không bao lâu. Ba của Phúc Hy cố gắng làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình và lo thuốc thang nhưng bệnh tim của mẹ Phúc Hy ngày càng nặng và bà qua đời khi em đang học lớp 7. “Lúc mẹ mất, em rất hụt hẫng, mọi thứ như sụp đổ. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của người thân, thầy cô giáo và bạn bè, em dần lấy lại tinh thần, từng bước vượt qua khó khăn”, Phúc Hy tâm sự.
Từ khi mẹ mất, hàng ngày, Phúc Hy phải thay mẹ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chỉ bài cho em trai học. Còn ba em ngày hai buổi đi làm thuê ở một tiệm cơ khí trong huyện để kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Cuộc sống gia đình chưa trở lại thăng bằng và nỗi buồn mất mẹ chưa nguôi thì năm 2013, lúc Hy sắp thi tốt nghiệp lớp 12 thì ba em mắc bệnh u gan giai đoạn cuối. Sau ba tháng chạy chữa, ba Hy mất. Phúc Hy nghẹn ngào: “Sau khi ba mất, hai chị em không còn nơi nương tựa, lâm vào cảnh khó khăn tột cùng. Vì vậy, em đành gác lại giấc mơ thi vào Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh mà em đã đăng ký trước đó. Hàng ngày, em phụ cô họ may đồ, mỗi tháng thu nhập gần một triệu đồng, chắt chiu trang trải cuộc sống cho hai chị em”.
Sau một năm từ ngày ba mất, Phúc Hy quyết tâm đi học lại. Năm học 2014-2015, Phúc Hy theo học lớp trung cấp ngành Quản lý doanh nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Hàng ngày, Phúc Hy phải đi làm thêm nhiều việc để kiếm tiền trang trải trong quá trình học tập. Từ việc phục vụ cho các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, đến các hội nghị, khai trương rồi làm lễ tân ở khách sạn..., mỗi lần “chạy sô”, Phúc Hy được trả công từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài ra, em còn tự lên mạng học cách làm các đồ lưu niệm như: vòng tay, vòng cổ…, rồi bán cho khách hàng qua mạng và các bạn học trong trường. Phúc Hy chia sẻ: “Số tiền kiếm được từ bán đồ lưu niệm và làm thêm, em đủ trang trải cho bản thân và việc học của mình. Còn em trai em đang học lớp 11, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Đông Hòa) ở cùng với cô ruột, nhà trường miễn giảm học phí”.
ĐA NĂNG, HỌC GIỎI
Vất vả là thế, nhưng học lực của Phúc Hy không thua kém bạn bè. Tổng kết năm học đầu tiên, trung bình các môn, Phúc Hy đạt 7,8 điểm. Có được thành tích trên, Phúc Hy cho biết: “Thời gian em dành cho việc học là vào buổi tối từ 21 đến 23 giờ. Mỗi buổi đến lớp, em chăm chú nghe thầy, cô giảng bài, chỗ nào không hiểu em hỏi lại ngay. Nhờ đó, em nhớ bài rất lâu”. Ngoài ra, Phúc Hy còn tranh thủ thời gian học nhóm ở trường và làm nhóm trưởng của hai môn: Khởi tạo doanh nghiệp và Quản trị bán hàng. Phúc Hy cho biết: “Hai môn học này em thấy không khó lắm. Những bài tập nào khó, các bạn “bí”, em tổ chức thảo luận, sẵn sàng hướng dẫn, giúp tìm ra đáp án, vượt qua các lần kiểm tra”.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp của Phúc Hy, cho biết: “Để có tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí, Phúc Hy xin vay ngân hàng theo diện học sinh, sinh viên nhưng không được, vì không có người bảo lãnh. Vì vậy, em phải đi làm thêm. Mặc dù vừa đi học vừa đi làm, nhưng với nghị lực vượt khó, Phúc Hy trở thành học sinh khá của trường. Em cũng rất năng nổ trong lớp và tham gia nhiều hoạt động do Đoàn, Hội Sinh viên của trường tổ chức. Mới đây, tham gia cuộc thi Người đẹp qua ảnh do Đoàn trường tổ chức, em đoạt giải Hoa khôi; tham gia hội thi cắm hoa nhân ngày 20/11, em đạt giải nhì…”.
NGUYỄN CHƯƠNG