Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm (Trường tiểu học Ea Trol, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người truyền dạy con chữ mà còn hết lòng với công tác giáo dục, giúp đỡ học sinh khuyết tật học hòa nhập.
Cô Nguyễn Thị Hải Sâm sinh năm 1974, tại xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa. Từ nhỏ, cô đã mơ ước được đứng trên bục giảng. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên, cô Sâm được phân công về Trường tiểu học Ea Trol dạy học. Từ năm học 2011-2012 đến nay, cô tham gia giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật.
Nói về động lực để gắn bó với công tác này, cô Nguyễn Thị Hải Sâm chia sẻ: “Các em đã không được may mắn nên tôi nghĩ mình phải hết lòng thương yêu các em. Điều đầu tiên là mong sao các em có thể biết đọc, biết viết, sau đó là rèn cho các em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày…”.
Dạy học cho trẻ khuyết tật đã khó, đối với học sinh khuyết tật ở miền núi như Ea Trol càng khó khăn hơn. Các em ở đây có nhiều dạng khuyết tật. Có em bị câm, có em thiểu năng trí tuệ. Bên cạnh đó, khả năng tiếng Việt của các em cũng rất yếu… Để học sinh khuyết tật hòa nhập với các bạn, cô Hải Sâm đã dành thời gian ra chơi, những lúc nghỉ trưa để trò chuyện, động viên và chơi cùng các em. Trong mỗi trang giáo án của mình, cô soạn thêm những phần dành riêng cho học sinh khuyết tật. Khi học sinh bỏ học ở nhà, cô lại đến tìm, động viên, đưa đón các em đến lớp… Chính sự tận tâm của cô Sâm đã giúp các em học sinh khuyết tật ở đây học được con chữ…
Hờ Rai (bị câm) và K’So Hờ Bin (bị thiểu năng trí tuệ), cả hai em đều là những học trò mà cô Sâm từng dạy và chủ nhiệm từ lớp 1. Năm nay, các em đã lên lớp 4 và học hòa nhập với 33 bạn học sinh khác. Khi hỏi em về cô giáo chủ nhiệm cũ của mình, K’So Hờ Bin nói: “Cô Sâm dạy em biết đọc, biết viết. Em rất yêu cô Sâm! Em thích đến trường và cảm thấy rất là vui”. Dẫu còn có chút ngại ngùng trước người lạ, nhưng chúng tôi hiểu những nhận xét của K’So Hờ Bin đối với cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm là tình cảm thật lòng của em.
Còn khi nhận xét về cô giáo Sâm, thầy Lê Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Trol, cho biết: “Cô Sâm là một giáo viên tâm huyết với nghề. Nhiều năm cô được phân công dạy lớp 1. Cô Sâm có rất nhiều phương pháp giảng dạy và dành nhiều tình cảm cho học sinh nên những học sinh khuyết tật mà học ở lớp của cô cuối năm đều có kết quả học tập rất đáng mừng… Có thể nói, tình cảm và tâm huyết của cô dành cho những học sinh khuyết tật là rất lớn…”.
Những gì mà cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm đã làm được cho những học trò khuyết tật ở vùng miền núi Ea Trol, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn xuất phát từ trái tim nhân hậu của một nhà giáo. Cô Sâm xứng đáng được Bộ GD-ĐT tuyên dương là Nhà giáo tiêu biểu trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 mới đây.
VŨ XUÂN TRIỆU