Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, đây là một dự luật nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri cả nước.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đã có một số trao đổi với phóng viên để làm rõ hơn về dự án luật trên, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai.
* Thưa ông, đất đai luôn là một lĩnh vực nóng. Có cách nào để đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về lĩnh vực này?
- Tôi cho rằng có nhiều cách để người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về đất đai hoặc thể hiện ý kiến, kiến nghị của mình liên quan đến đất đai.
Luật đất đai trước khi được Quốc hội xem xét thông qua đã được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và đó là cách tốt nhất để người dân có ý kiến vào các quy định cụ thể của luật.
Ngoài ra, người dân có thể thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để có những đề xuất kiến nghị lên Quốc hội quan tâm, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của mình. Đó cũng là cách để người dân tham gia vào việc hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, thông qua việc khiếu nại tố cáo của công dân, người dân cũng có thể góp ý với nhà nước, Chính phủ những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đất đai hiện nay ở các địa phương.
* Nhưng thực tế con số về khiếu nại tố cáo vẫn tăng cao, điều này do chính sách chưa hợp lý hay do nguyên nhân nào khác thưa ông?
- Qua thống kê ở các địa phương cho thấy, việc khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chủ yếu là quá trình giải phóng mặt bằng và đền bù hỗ trợ tái định cư. Việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên nhiều khi chính sách hiện hành đã được tổ chức thực hiện đúng quy định nhưng người dân không đồng ý vẫn khiếu nại. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đúng.
Những vấn đề liên quan đến quy định của chính sách mà thấy không phù hợp hoặc tổ chức thực hiện không đúng thì việc khiếu nại tố cáo đó cần được xem xét giải quyết.
Theo thống kê, chỉ gần 50% khiếu nại tố cáo của công dân ở lĩnh vực đất đai là đúng.
* Theo ông, trong Luật trưng cầu ý dân có nên xem xét những vấn đề chỉ lấy ý kiến nhân dân tại từng vùng, từng địa phương, thay vì lấy ý kiến trên toàn quốc?
- Vấn đề này cần phân định 2 lĩnh vực khác nhau. Nếu chúng ta trưng cầu ý dân thì phải trên phạm vi cả nước và là những vấn đề lớn liên quan đến quốc gia, liên quan đến dân tộc. Còn việc lấy ý kiến nhân dân thì có thể thực hiện ở một vùng, một lĩnh vực, một đối tượng, như vậy việc lấy ý kiến nhân dân hoàn toàn khác với việc trưng cầu ý dân.
Từ góc độ trên thì những vấn đề như đất đai có thể lấy ý kiến nhân dân ở một vùng, một lĩnh vực khi chúng ta triển khai những dự án lớn, liên quan đến việc thu hồi đất, liên quan đến giải phóng mặt bằng của người dân thì lấy ý kiên của người dân và chúng ta đã thực hiện việc này rồi.
Còn việc trưng cầu ý dân trên phạm vi của cả nước, việc này chỉ liên quan đến những vấn đề lớn, liên quan đến hiến pháp, liên quan đến chủ quyền quốc gia và liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội.
* Trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân lần này, theo ông đã đáp ứng được với đa số nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước chưa?
- Dự thảo Luật trưng cầu ý dân lần này đã được tiếp thu một cách cầu thị và có nhiều chỉnh sửa từ những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9. Có những ý kiến còn khác nhau, băn khoăn ở một vài điểm nhưng về cái chung thảo luận đã bao quát được những vấn đề cần trưng cầu ý dân và những vấn đề cần phải quan tâm xem xét khi luật ban hành thì có thể tổ chức triển khai, thực hiện ngay được.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnam+