Thứ Sáu, 15/11/2024 11:09 SA
Quốc hội chính thức “quyết” tăng 5% lương cơ sở từ 1/5/2016
Thứ Tư, 11/11/2015 13:51 CH

Các đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội

Với 392/435 đại biểu có mặt tán thành (88,06%), sáng 11/11, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

 

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 nêu rõ, từ ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức sẽ tăng 5%, tăng 60.000 đồng so với trước. Theo đó, mức lương cơ sở được điểu chỉnh từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng. Riêng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công vẫn giữ mức tăng 8% như năm 2015.

 

Ngoài ra, nghị quyết còn đề xuất điều chỉnh tiền lương với người có mức lương hưu và trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng, đồng thời điều chỉnh mức trợ cấp với đối tượng giáo viên mầm mon có thời hạn công tác trước 1995 để lương hưu đạt mức lương cơ sở.

 

Về cơ sở để tăng lương, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Sau khi cân đối các nguồn chi, Chính phủ thấy sắp xếp được một số nguồn, tức là giảm chi, dành khoảng 11.000 tỉ đồng để cải thiện đời sống cán bộ công chức, người làm công ăn lương. Chính phủ đặt ra hai vấn đề. Những người về hưu, người có công, người có hệ số lương dưới 2,34% đã được Chính phủ nâng lương 8% từ 1/1/2015 thì nay vẫn tiếp tục thực hiện.

 

Còn những đối tượng có mức lương hệ số trên 2,34 tức là công chức, được tăng thêm 60.000 đồng, tăng thêm 5%, chi tăng lương hết 11.000 tỉ đồng và Chính phủ cho thực hiện từ 1/5/2016. Ông Lợi cho rằng, việc tăng lương là xuất phát từ tình hình đời sống cán bộ công chức có khó khăn, mức lương cơ sở quá thấp.

 

Ngoài ra, ông Lợi cho rằng trước đây Chính phủ đã điều chỉnh lương cho những người có công, người về hưu và người có hệ số lương dưới 2,34 rồi nên người đang làm việc, lương có cao hơn chút nhưng bản chất đời sống khó khăn, vẫn phải cân bằng. Do vậy, Chính phủ cũng sắp xếp các nguồn lại, tiết kiệm khoản chi và dành ra các nguồn để nâng mức lương cơ sở lên được thì mới hợp lý. 

 

“Tăng 60.000 đồng là thấp nhưng người lao động còn có hệ số lương nữa để nhân lên, do vậy sẽ giúp cải thiện đời sống một phần. Mặc dù chưa đáp ứng nhu cầu nhưng cũng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ. Một năm tiết kiệm chi 11.000 tỉ đồng không đơn giản. Ngay từ đầu, Chính phủ cũng muốn tăng lương trên 8% nhưng không cân đối được nguồn”, ông Lợi nói.

 

Theo ông Lợi, việc tăng lương 5% trong bối cảnh ngân sách hiện nay khó khăn là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ. Kế hoạch lúc đầu sẽ tăng mức lương cơ sở thêm 100.000 đồng, nhưng do không cân đối được nên phải “liệu cơm gắp mắm” và chỉ tăng thêm được 60.000 đồng.

 

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng, cùng giải pháp này cần khuyến nghị Chính phủ tích cực có giải pháp kìm chế lạm phát, vì không kìm chế thì tăng lương sẽ ảnh hưởng. Đồng thời nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế để cải cách tiền lương một cách căn cơ. 

 

Cải cách tiền lương không phải chỉ nâng mức lương cơ sở, mà ngoài việc nâng mức này thì phải cải cách cả hệ thống thang bảng lương, làm sao tiền lương phải đúng bản chất, phần cứng phải hơn phần mềm. Tiền lương phải thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo lao động, làm tăng năng suất lao động.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek