LTS: Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, ĐBQH Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, đã có bài phát biểu. Báo Phú Yên giới thiệu đến bạn đọc bài phát biểu này.
Nhiều ĐBQH và cử tri biểu thị sự đồng tình, ủng hộ và thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10. Trong bộn bề những khó khăn thách thức của đất nước, trước sự tác động bất lợi của tình hình thế giới và khu vực nhưng an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, lạm phát thấp nhưng tăng trưởng vẫn đạt ở mức cao, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 10%, lĩnh vực giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 và các tuyến đường huyết mạch trong cả nước. Hệ thống tài chính tín dụng ngân hàng, thị trường vàng được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phục hồi tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Đây là kết quả của sự nỗ lực quyết tâm cao của Chính phủ, của các cấp, ngành được các tầng lớp nhân dân và cử tri tin tưởng ghi nhận đánh giá cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, tôi xin nêu một số vấn đề mà nhiều cử tri và ĐBQH quan tâm, suy nghĩ cụ thể như sau:
VỀ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp lần này, khi đề cập đến tình hình biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, khó lường. Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nêu vấn đề: Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tình hình biển Đông nguy hiểm khó lường và lòng dân chưa yên là vậy, nhưng trong báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh chỉ nêu một câu rất ngắn gọn: Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và kết hợp tốt giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ báo cáo sát thực hơn diễn biến phức tạp tình hình biển Đông, với những hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cần làm rõ hơn chủ trương, biện pháp đấu tranh của Đảng và Nhà nước ta để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Có nắm chắc tình hình, có hiểu được đường lối đấu tranh thì cử tri và nhân dân cả nước mới có được niềm tin, mới phát huy lòng yêu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, sát cánh đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
VỀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO
Giảm nghèo bền vững luôn là mục tiêu, là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước là 4,5%, tỉ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo là 28%, nếu xác định hộ nghèo theo tiêu chí mới thì tỉ lệ này sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền vừa trao đổi làm rõ thêm về vấn đề này trước Quốc hội. Nhưng tôi rất băn khoăn với các số liệu này. Vì trên thực tế thường cho thấy khi lấy số liệu để xác định kết quả, thành tích giảm nghèo ở các địa phương thì tỉ lệ hộ nghèo thường thấp và giảm mạnh, nhưng khi lấy số liệu để xác định xã nghèo, huyện nghèo cần được đầu tư thì tỉ lệ hộ nghèo lại tăng nhanh. Điều này sẽ phản ánh không thực chất tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng, miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng dựa dẫm vào các chính sách hỗ trợ người nghèo nên không muốn thoát nghèo, vẫn còn sự chồng chéo, sử dụng còn lãng phí, thiếu hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo tại các địa phương.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy cuối năm 2014 số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 46,66% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Điều này có nghĩa là nếu cả nước có 10 hộ nghèo thì có gần 5 hộ là dân tộc thiểu số. Đây là điều làm chúng ta phải suy nghĩ. Vì sao Đảng và Nhà nước có nhiều biện pháp, giải pháp ưu tiên giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng kết quả mang lại không như mong muốn? Phải chăng các giải pháp của chúng ta đối với vùng này chưa đủ căn cơ, nhất là về giao thông, nước sạch, dân trí? Có giải pháp đã đưa vào Nghị quyết của Quốc hội trong nhiều kỳ họp như việc rà soát, hỗ trợ đời sống người dân vùng tái định cư các dự án thủy điện, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá, chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn nữa để công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới đạt kế hoạch đề ra.
VỀ TỒN TẠI, YẾU KÉM KÉO DÀI TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC CHẬM ĐƯỢC KHẮC PHỤC
Báo cáo của Chính phủ chỉ ra chín mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực. Đây là sự nghiêm khắc, thẳng thắn trong đánh giá. Tuy nhiên, có những mặt tồn tại, hạn chế được nhìn nhận rất rõ, được đề cập trong báo cáo của Chính phủ nhiều năm, được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội trong nhiều kỳ họp nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục. Những yếu kém đó là: nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật; cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn rườm rà, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế.
Vì sao Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhưng đến nay theo số liệu báo cáo của Bộ Tư pháp có 21 luật phải chờ văn bản hướng dẫn với số nợ văn bản là 52, trong đó có 43 thông tư và 9 thông tư liên tịch? Vì sao cải cách hành chính được xem là khâu đột phá để phát triển, nhưng năm nào cũng đánh giá còn chậm và còn phiền hà? Vì sao cán bộ được xem là gốc của mọi công việc, nhưng vẫn còn một bộ phận không đủ phẩm chất năng lực tồn tại trong bộ máy nhà nước mà chưa có biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để thay thế những người này? Bộ phận này nhiều hay ít, có phải là 0,41% công chức, 0,27% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ như số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ năm 2014 hay không? ĐBQH và cử tri không cho là như vậy.
Cử tri đề nghị Chính phủ cần làm rõ những tồn tại, yếu kém này, vì sao chậm khắc phục? Trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề này được xác định như thế nào? Cử tri mong muốn Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ để sớm chấn chỉnh, khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém nêu trên.
------------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt