Cách đây 85 năm, ngày 14/10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khai mạc tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Luận cương chính trị và các văn kiện quan trọng của Đảng; trong đó có việc quyết định thành lập Bộ Tổ chức, tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay. Việc thành lập Bộ Tổ chức ngay sau khi thành lập Đảng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã đồng ý lấy ngày 14/10, ngày khai mạc Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm ngày truyền thống hàng năm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với sự ra đời, phát triển của Đảng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Lênin từng nói: “Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp vô sản không có thứ khí giới nào khác hơn là tổ chức” và Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về công tác tổ chức của Đảng đã xác định: “Biết tổ chức là có thêm cán bộ, có thêm võ khí, có tài chính là có tất cả những điều kiện cần thiết cho công cuộc cách mệnh dân tộc giải phóng”.
KHÔNG NGỪNG TIẾN LÊN GIÀNH NHIỀU THẮNG LỢI
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong suốt 85 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng công tác tổ chức xây dựng Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về tổ chức, đảm bảo vai trò lãnh đạo, thực hiện thành công đường lối chính trị của Đảng, đưa cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không ngừng tiến lên giành nhiều thắng lợi vẻ vang.
Cũng trong quá trình cách mạng, hệ thống các cơ quan tổ chức trong tỉnh không ngừng được kiện toàn, củng cố về tổ chức, cán bộ; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đổi mới phương thức hoạt động thích ứng với tình hình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng; tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác. Các thế hệ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng qua các thời kỳ, nhất là các đồng chí hoạt động trong 2 cuộc kháng chiến, đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có những đóng góp to lớn cho ngành.
Cùng với suốt chiều dài lịch sử cách mạng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã trải qua các thời kỳ cách mạng vẻ vang và đầy tự hào. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, khó khăn và ác liệt, công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng và đảng viên cũng được chú trọng gắn với xây dựng kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh phục vụ kháng chiến. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và xây dựng được đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm, dũng cảm, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Thời kỳ này đã chú trọng cử nhiều cán bộ đi đào tạo dài hạn ở tỉnh, Khu V và Trung ương, nên đã tạo ra nguồn cán bộ dồi dào cho tỉnh, cho khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đáp ứng yêu cầu cán bộ phục vụ kháng chiến thắng lợi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh tập trung vào việc xây dựng bộ máy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, lãnh đạo nhân dân từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện hòa hợp dân tộc, xây dựng cuộc sống mới.
Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập sau 14 năm sáp nhập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, công tác tổ chức xây dựng Đảng đứng trước những khó khăn, thử thách mới, số lượng cán bộ của tỉnh chỉ bằng 24,5% số cán bộ tỉnh Phú Khánh (cũ). Tổ chức bộ máy và cán bộ chưa ổn định; điều kiện về kinh tế, cơ sở hạ tầng khó khăn, thiếu thốn. Tình hình thế giới bất lợi cho phong trào cách mạng trong nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khi vừa tái lập có 21 đồng chí ủy viên chính thức và 7 đồng chí ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Quyết Tâm, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Trước những khó khăn của một tỉnh mới tái lập, Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương tiếp tục kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy khối Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh; động viên một số cán bộ lãnh đạo lớn tuổi tiếp tục công tác; điều động và phân công một lượng lớn cán bộ các huyện, thị xã về tỉnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh công tác phát triển đảng... Việc triển khai thực hiện các chủ trương trên đồng bộ và kịp thời, nhờ đó, trong một thời gian ngắn, tổ chức bộ máy của tỉnh đã hoạt động ổn định. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã và cơ sở được kiện toàn, phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Phát huy truyền thống của Đảng bộ và của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, trong những năm qua, ban tổ chức cấp ủy các cấp quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kịp thời tham mưu cấp ủy cụ thể hóa, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện công tác tổ chức xây dựng Đảng, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, ban tổ chức cấp ủy các cấp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định nhiệm vụ giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả từng mặt công tác; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
Qua 85 năm lịch sử cách mạng của Đảng và của dân tộc cũng là quá trình không ngừng chăm lo công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức xây dựng Đảng:
Một là, công tác tổ chức xây dựng Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị và tư tưởng, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với phát huy dân chủ trong Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thường xuyên tự phê bình và phê bình; giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chú trọng công tác bảo vệ Đảng, thực hiện nghiêm công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, công tác tổ chức xây dựng Đảng phải đặt nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, trí tuệ và trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. Phải tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách cán bộ. Đặc biệt coi trọng xây dựng hạt nhân lãnh đạo, trọng dụng nhân tài.
Ba là, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để làm tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của mặt trận, các đoàn thể đối với tổ chức, cán bộ.
Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng các tổ chức ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Năm là, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh và trí tuệ, có năng lực, am hiểu sâu sắc về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng; sâu sát với tình hình, với thực tiễn để tham mưu đề ra nhiệm vụ, giải pháp công tác tổ chức xây dựng Đảng phù hợp, hiệu quả.
Tự hào về truyền thống của ngành, mỗi cán bộ, công chức trong ngành tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, lối sống; ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ, năng lực công tác, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành mà trước mắt là tham mưu cho cấp ủy tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (1991), đồng chí Nguyễn Duy Luân, ủy viên Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Ưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (1996-2000), đồng chí Lương Công Đoan được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; tháng 11/1998, đồng chí Nguyễn Văn Trúc, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy được phân công làm Quyền Bí thư Tỉnh ủy; tháng 10 năm 1999, đồng chí Thái Phụng Nê, Uỷ viên Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Ưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Tháng 12/2000, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, đồng chí Nguyễn Thành Quang được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Ngọc Chi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (tháng 3/2006) và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (tháng 9/2010), đồng chí Đào Tấn Lộc được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. |
NGUYỄN ĐÌNH PHÚC
Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy