Qua một năm học thực hiện Thông tư 30 về quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT, công tác dạy và học của Trường tiểu học Củng Sơn số 2 (huyện Sơn Hòa) đã thể hiện rõ tính nhân văn với ưu điểm giảm áp lực trong học tập, trả lại sự hồn nhiên, thoải mái cho học sinh.
Theo Thông tư 30, thay cho việc chấm điểm, giáo viên chuyển sang nhận xét về mức độ hoàn thành nội dung bài học, kết quả rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Cuối học kỳ, cuối năm học, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Thầy Đỗ Công Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Củng Sơn số 2, cho biết: Trường được Sở GD-ĐT chọn dạy học thí điểm theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) từ năm học 2012-2013 nên khi triển khai Thông tư 30 có nhiều thuận lợi so với các trường tiểu học khác trên địa bàn huyện. Sau khi được tập huấn ở Phòng GD-ĐT, nhà trường thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ việc áp dụng thông tư này. Cùng với đó, trong năm học 2014-2015, nhà trường họp cha mẹ học sinh bốn lần. Qua đó giúp phụ huynh học sinh hiểu hơn về phương pháp mới trong đánh giá học sinh, để có sự phối hợp đồng bộ cùng nhà trường trong việc giáo dục các em.
Thành công của Trường tiểu học Củng Sơn số 2 trước hết phải kể đến việc áp dụng một cách linh hoạt cách thức nhận xét, đánh giá của giáo viên, điều mà hiện nay khá nhiều trường lúng túng, gặp vướng mắc khi bắt tay thực hiện Thông tư 30. Thầy Đỗ Công Bình chia sẻ: Ngay từ đầu, Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên của trường nghiên cứu kỹ các quy định của thông tư, đảm bảo quan tâm tất cả các đối tượng học sinh bằng nhiều hình thức đánh giá. Về phía giáo viên cũng đã tích cực tự điều chỉnh bản thân, nâng cao năng lực công tác, khả năng nắm bắt tâm lý học sinh, tìm ra cách dạy khoa học với từng đối tượng học sinh. Trong vở của học sinh, giờ không có những điểm số khô khan mà chứa đựng ở đó những lời nhận xét ân cần của thầy cô giáo. Tất cả các em đến trường với niềm vui tươi, hăng say học tập. Dù chỉ được hai chữ “hoàn thành” nhưng kết quả đó của các em vẫn được trân trọng, cuối năm học vẫn có thể được khen thưởng vì sự nỗ lực, cố gắng. Thầy hiệu trưởng không giấu được niềm vui cho biết, tỉ lệ học sinh được khen thưởng cuối năm học 2014-2015 cao hơn năm học trước 1,8%.
Sau một năm trực tiếp giảng dạy theo tinh thần của Thông tư 30, cô Huỳnh Thị Kim Lan, một giáo viên của trường, đánh giá: “Thông tư 30 ra đời là một chủ chương đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Học sinh được tạo tâm lý thoải mái và như vậy các em sẽ ham thích đến trường”. Còn anh Huỳnh Minh Tính, một phụ huynh có con học tại trường, phấn khởi: “Việc bỏ chấm điểm là phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Nếu như trước đây, phụ huynh chỉ có thói quen hỏi điểm các con sau mỗi ngày học, con nhận điểm tốt thì yên tâm, điểm thấp thì có khi la mắng. Nay cách đánh giá mới này buộc lòng phụ huynh cùng chung tay với nhà trường hỗ trợ con em trong các hoạt động giáo dục”.
Kết thúc năm học 2014-2015, Trường tiểu học Củng Sơn số 2 vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Ông Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, nhận xét: “Động lực của việc học nằm ở cách tìm ra những điều mới mẻ của kiến thức chứ không phải là điểm số. Chủ trương không cho điểm của Thông tư 30 là để trả lại sự tự nhiên cho việc học. Năm học vừa qua, Trường tiểu học Củng Sơn số 2 xứng đáng là lá cờ đầu trong thực hiện Thông tư 30 ở huyện. Thành tích này có được từ sự đồng lòng của cả một tập thể quyết tâm, phấn đấu và sâu xa hơn đó là tấm lòng yêu thương chứa đựng trong từng con chữ nhận xét mà mỗi thầy cô dành cho các em”.
CAO VĨ NHÁNH