5 năm qua, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả đã tạo được sự đồng thuận; góp phần động viên người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
NHIỀU MÔ HÌNH VÌ DÂN
Về phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; liên kết các hình thức sản xuất kinh doanh để làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; tham gia các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã… Trong đó, các mô hình “Vận động phụ nữ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp”, “Chăn nuôi bò vỗ béo”, “Xây dựng làng nghề trồng dâu nuôi tằm”… bước đầu gặt hái được những kết quả tích cực.
Về văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt, chính quyền các cấp giải quyết những vấn đề bức xúc, lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định những việc có liên quan đến dân sinh; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính ở địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, duy trì chế độ tiếp dân, trực tiếp đối thoại và giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tự nguyện đóng góp hơn 195 tỉ đồng, hàng trăm ngàn ngày công lao động và hiến hơn 210.000m2 đất để bê tông hóa đường nông thôn. Tiêu biểu là các mô hình “Vận động nhân dân hiến đất triển khai chương trình giao thông nông thôn”, “Thắp sáng đường quê” để xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp… Nhờ cán bộ kiên trì phân tích, thuyết phục thấu tình đạt lý nên nhân dân tự giác, tự nguyện hiến đất giao mặt bằng để thực hiện các dự án lớn của tỉnh như dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa phận Phú Yên, Hầm đường bộ qua đèo Cả…
Về quốc phòng - an ninh, phong trào đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ Tổ quốc, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, đối thoại hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho cơ quan chức năng, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo sự ổn định về chính trị, đồng thuận trong nhân dân. Tiêu biểu như mô hình “Phòng ngừa, ngăn chặn phát triển Fulro, “Tin lành Đề ga” trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn” của Công an huyện Sông Hinh. Từ mô hình này, huyện đã nhân rộng thành 35 mô hình ở các thôn, buôn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn miền núi.
THỰC HIỆN “DÂN VẬN KHÉO” THƯỜNG XUYÊN, ĐỒNG BỘ
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Công tác dân vận phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Muốn vậy, toàn bộ nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải tập trung vào việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 thông qua xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng năm và cả nhiệm kỳ tới. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Nghị quyết 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của mặt trận, đoàn thể, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng phải hướng đến giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Việc lựa chọn để xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, hướng vào những nhiệm vụ cấp ủy đang tập trung chỉ đạo hoặc giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân. Trong đó tập trung thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
PHẠM THỊ LỆ THANH