PYO xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Đối thoại Chính sách tại Hội Châu Á ngày 28/9. Sau đây là toàn văn:
Kính thưa ông Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Chính sách Hội Châu Á
Thưa các quý vị và các bạn,
Tôi rất vui mừng tham dự và phát biểu tại buổi Đối thoại Chính sách với các quan chức, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ tại trụ sở Hội Châu Á ngày hôm nay.
Tôi được biết Hội Châu Á là một trong những tổ chức giáo dục quốc tế hàng đầu tại Hoa Kỳ luôn quan tâm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, các tổ chức và nhân dân châu Á, trong đó có Việt Nam với Hoa Kỳ thông qua nhiều sáng kiến và hoạt động giao lưu nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục và đối thoại chính sách.
Tôi chân thành cảm ơn Hội Châu Á và các quý vị về những đóng góp vào các bước phát triển đáng tự hào của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hai mươi năm bình thường hóa quan hệ.
Thưa quý vị và các bạn,
Trong ba ngày qua, các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước đã họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York để kỷ niệm 15 năm thực hiện Tuyên bố Phát triển Thiên niên kỷ và thông qua văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững”.
Đây là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó các thách thức chung về phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, để cùng hướng tới một thế giới hòa bình, an toàn, bình đẳng, xanh và sạch.
Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có những bước cải thiện tuy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, xu thế hợp tác, liên kết và quá trình toàn cầu hóa đang mở ra các cơ hội mới cho sự phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn hơn một tỉ người sống trong nghèo đói và các thách thức về dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những biến động mạnh mẽ và sâu sắc chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trong khi tiếp tục là khu vực phát triển năng động và hợp tác, liên kết vẫn là xu thế chủ đạo, thì ở châu Á - Thái Bình Dương đang xuất hiện những thách thức và nguy cơ ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh tình hình căng thẳng và nguy cơ xung đột cao trên bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố cực đoan, an ninh mạng, an ninh hàng không và hàng hải, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, làn sóng di cư ồ ạt đang diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm.
Điều khiến chúng ta hết sức quan ngại là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những toan tính nhằm đơn phương thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế, trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, đặt ra những yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm, trách nhiệm chung và sự hợp tác của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm mục tiêu chung là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Chúng ta vui mừng với những phát triển nhanh chóng, tích cực và hiệu quả của quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn hai thập kỷ qua, nhất là từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện tháng 7/2013. Song điều mà tôi rất tâm đắc và muốn chia sẻ với các bạn là nguyên nhân và động lực giúp chúng ta vượt qua được quá khứ chiến tranh và những khác biệt để trở thành đối tác toàn diện của nhau như hôm nay chính là những lợi ích căn bản mà hai nước chia sẻ.
Ngay từ những ngày đầu hai nước thương thảo về việc bình thường hóa quan hệ, chúng ta đã nhận ra và nhất trí với nhau rằng bên cạnh những lợi ích lớn mang tính song phương, hai dân tộc chúng ta chia sẻ nguyện vọng và lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhận thức chung đó thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước, đưa đến quyết tâm chính trị giúp hai nước vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở cả về chủ quan và khách quan để làm bạn và đối tác toàn diện của nhau như ngày hôm nay. Những lợi ích chúng ta chia sẻ ngày càng được mở rộng cùng với quá trình phát triển của quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước trên bình diện song phương, khu vực và toàn cầu.
Ngày nay, sự chia sẻ lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực đã bao hàm cả việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ môi trường biển… và bằng các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực…
Những gì mà Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ và đồng hành cũng là nguyện vọng chung của đông đảo các dân tộc chung sống ở khu vực này. Vì vậy, có thể nói ngày nay, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Trên cơ sở những lợi ích chung rộng lớn mà hai nước chia sẻ, tôi muốn khẳng định rằng chưa bao giờ chúng ta đứng trước những cơ hội to lớn để cùng nhau đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương như hiện nay.
Hoa Kỳ với tư cách là siêu cường thế giới có nhiều lợi ích quan trọng ở khu vực. Tại Hội nghị quốc tế về an ninh khu vực ở Hawaii ngày 12/1/2012, cùng với tuyên bố “tương lai của Hoa Kỳ liên quan chặt chẽ với châu Á - Thái Bình Dương”, nguyên Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khẳng định “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông phù hợp với nguyên tắc, tập quán và luật pháp quốc tế”.
Việt Nam cho rằng, một khi Hoa Kỳ quan tâm và cam kết mạnh mẽ hơn với an ninh và thịnh vượng ở khu vực cùng với việc tăng cường sự hiện diện, quan hệ và hợp tác của Hoa Kỳ với khu vực dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, chắc chắn sẽ được nhiều nước hoan nghênh và hưởng ứng.
Trong triển khai chính sách hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đặc biệt ưu tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đã, đang và sẽ tham gia tích cực và đóng góp nhiều và thực chất hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; tích cực cùng các nước, đặc biệt là các nước trong cộng đồng ASEAN, các nước lớn, trong đó luôn coi trọng phối hợp với Hoa Kỳ, tham gia vào việc xây dựng các thể chế khu vực, đặc biệt là các thể chế mà ASEAN đóng vai trò trung tâm, theo hướng hiệu quả, dựa trên luật pháp quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và phồn vinh.
Với những thành quả quan trọng chúng ta đã có được sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và những lợi ích chung rộng lớn mà hai nước chúng ta chia sẻ, tôi tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hướng tới tương lai đó, tôi đề nghị:
Trên bình diện song phương, hai bên cần hợp tác tích cực và thực chất để triển khai hiệu quả Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama tháng 7/2015 và Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện giữa tôi và Tổng thống Obama tháng 7/2013 với 9 trụ cột quan hệ cụ thể. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong tiến trình này, điểm quan trọng nhất là chúng ta cần xây dựng được lòng tin, nhất là lòng tin chính trị.
Đây là bài học chúng ta rút ra từ quá khứ và từ sự khác biệt về hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, văn hóa, tập quán giữa hai dân tộc. Việt Nam sẽ có và chỉ có được lòng tin như vậy vào Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ thực hiện đúng cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của Việt Nam và có những hành động cụ thể để hiện thực hóa tuyên bố “Hoa Kỳ muốn Việt Nam thịnh vượng, vững mạnh, độc lập…”
Về phần mình, cùng với tiến trình đổi mới toàn diện nhằm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, trong đó các quyền tự do cơ bản của người dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, chúng tôi sẽ kiên định và nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong chính sách đó, Việt Nam sẽ luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, chân thành mong muốn và sẽ cùng với phía Hoa Kỳ xây dựng mối quan hệ đối tác ổn định, hữu nghị, hợp tác lâu dài vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Trên bình diện khu vực, Việt Nam và Hoa Kỳ cần hợp tác chặt chẽ với nhau và với các quốc gia khác đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các biện pháp sau:
Một là, củng cố các thể chế khu vực gồm ARF, EAS, APEC, ADMM+ hiệu quả hơn đối với việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển, theo đó năm 2017 hai nước sẽ có cơ hội hợp tác đảm bảo thành công của Hội nghị APEC tại Việt Nam, đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế ở khu vực; Hai là, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế khu vực; Ba là, nỗ lực kết thúc đàm phán để triển khai TPP, đem lại cơ hội phát triển cho các thành viên; Bốn là, thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là UNCLOS 1982 trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển, củng cố hiệu quả của DOC và tiến tới COC; Năm là, hợp tác chặt chẽ và sâu để thúc đẩy hợp tác trong Sáng kiến Hạ nguồn Me Kong.
Trên bình diện toàn cầu, hai nước cần tăng cường hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn đa phương lớn, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, tập trung vào các vấn đề hai bên chia sẻ lợi ích như hợp tác phát triển, gìn giữ hòa bình, an ninh, chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, an toàn hạt nhân, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trên tinh thần đó, tôi mong muốn và tin tưởng rằng Hội Châu Á sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối hữu nghị và là một trong những động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Thưa quý vị và các bạn,
Bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tế đã chỉ rõ rằng tăng cường tình hữu nghị và hợp tác là con đường đúng đắn duy nhất của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trên tinh thần thẳng thắn, thiện chí, tăng cường hiểu biết và thu hẹp bất đồng, với nhiều lợi ích tương đồng và to lớn mà hai nước cùng chia sẻ, tôi tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tận dụng tốt được những cơ hội hợp tác để cụ thể hóa tầm nhìn về quan hệ giữa hai nước đã được thiết lập và làm sâu sắc quan hệ Đối tác Toàn diện một cách hiệu quả và thực chất, vì một tầm nhìn tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Sau đây, tôi mong tiếp tục có những trao đổi cụ thể hơn về những vấn đề mà các quý vị và các bạn quan tâm.
Xin cảm ơn các quý vị và các bạn.
Theo TTXVN/Vietnam+