Thứ Ba, 01/10/2024 14:31 CH
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh: "Chúng tôi rất ấn tượng về những thành tựu của Việt Nam"
Thứ Tư, 04/07/2007 15:11 CH

Nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New Dehli đã có cuộc phỏng vấn Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh về mối quan hệ song phương.

Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Manmohan Singh:

070704--TT-An-Do.jpg

TT Ấn Độ

* Mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thiết lập và đã liên tục được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của hai nước tăng cường. Xin ngài cho biết đánh giá của mình về tầm quan trọng của chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng?

Di sản tinh thần của tình hữu nghị và hợp tác đã được hai nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền lại cho Ấn Độ và Việt Nam. Cũng giống như những nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Ấn Độ, tôi tin tưởng rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tôi sẽ hợp tác thành công để tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ đó.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát triển quan hệ song phương. Chúng ta cần mở rộng quan hệ ra ngoài các lĩnh vực truyền thống như thương mại và hợp tác văn hoá. Tôi đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Cebu, Philippines tháng 1 năm nay và rất ấn tượng với những ý tưởng và cam kết của Thủ tướng về việc mở rộng các mối quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, tôi rất trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi hy vọng sẽ cùng thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các biện pháp nhằm nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao hơn.

* Thưa Ngài! Ngài được biết đến như một kiến trúc sư của tiến trình cải cách kinh tế hiện nay của Ấn Độ và trên thực tế, cuộc cải cách này đã mang lại những thành tựu đầy ấn tượng cho Ấn Độ. Xin ngài cho biết những kinh nghiệm phát triển mà Ấn độ đã trải qua?

Tiến trình cải cách tổng thể của nền kinh tế Ấn Độ diễn ra đã hơn một thập kỷ qua. Nó đã mang lại những thành quả đáng kể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ vào Ấn Độ tăng lên, xuất hiện các công ty đa quốc gia của Ấn Độ và những công ty này luôn đứng đầu về công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của họ. Chúng tôi đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 8,5% trong năm thứ 5 liên tiếp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm trong các lĩnh vực xã hội. Chúng tôi cần phải giải quyết các vấn đề về nghèo đói và mù chữ mà người dân chúng tôi đang phải đối mặt. Chúng tôi cần phải cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế cho đa số những người dân sống ở vùng nông thôn. Chúng tôi rất ấn tượng về những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong các lĩnh vực này bất chấp những thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải trong Thế kỷ 20. Tôi cho rằng Ấn Độ có nhiều điều phải học tập từ các kinh nghiệm của Việt Nam và chúng ta cần trao đổi quan điểm và chia sẻ các bài học.

* Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác toàn diện với Ấn Độ. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Xin Ngài cho biết Ấn Độ và Việt Nam cần phải làm gì để tạo bước đột phá trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại song phương?

Tôi nhất trí rằng mặc dù kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng liên tục, nhưng về giá trị vẫn còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng của hai nước. Theo tôi được biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bày tỏ sự chưa hài lòng với mức độ hợp tác về kinh tế hiện nay giữa hai nước chúng ta. Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong những năm gần đây, cả hai bên đều thể hiện ý chí chính trị về tăng cường hợp tác kinh tế, không có lý do gì khiến chúng ta không thể đẩy mạnh đáng kể thương mại và đầu tư giữa hai nước. Việt Nam có thế mạnh về thuỷ sản, hàng thủ công, chế biến thực phẩm và dệt may. Ấn Độ có thể đề nghị hợp tác trong các lĩnh vực dược phẩm, sản xuất thức ăn cho vật nuôi, chế tạo phụ tùng ô-tô và đồ nhựa.

Tôi dự định sẽ thảo luận vấn đề này một cách chi tiết với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước hết, tôi sẽ đề nghị hai nước cần tạo một môi trường chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hoá, dịch vụ và người dân giữa hai nước tự do nhiều hơn nữa, cả song phương lẫn trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ- ASEAN.

* Ấn Độ đang thực hiện "chính sách hướng Đông" nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực. Việt Nam đóng vai trò gì trong chính sách này của Ấn Độ?

Một phần không thể tách rời trong chính sách hướng Đông của chúng tôi là tăng cường sự liên kết với các nước trong khu vực ASEAN, cả song phương cũng như nhóm khu vực này. Chúng tôi đặc biệt chú trọng tới nhóm 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), những nước Ấn Độ có sự gần gũi nhất về nền văn hoá và với những nước Ấn Độ đang hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến về chương trình hội nhập ASEAN. Chúng tôi coi sự hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với toàn khu vực. Ấn Độ và Việt Nam có chung các mục tiêu và thường có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế. Chúng tôi hy vọng Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết với khu vực ASEAN.

 

Theo TTXVN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek