Tôi và Quý là bạn “đồng hương” cùng công tác ở một đơn vị và tính tình khá hợp, nên anh em cho đó là một “ê kíp” nhỏ với hàm ý tốt. Nhưng thời gian gần đây, mối quan hệ giữa chúng tôi không thật sự êm ả. Có lần, sau khi sinh hoạt chi bộ, Quý nói với tôi có ý trách:
- Cậu thì… cứ hay vội vàng, đơn giản, chuyện chưa đâu vào đâu đã nói toạc ra để họ “cảnh giác”, chẳng giải quyết được gì.
Tôi chưa thật hiểu ý của Quý, nên hỏi lại: Theo cậu thì phải làm thế nào?
- Theo tớ cứ để đó, theo dõi, nắm chắc sự việc, có chứng cứ rõ ràng và cùng những khuyết điểm khác dồn lại rồi “phát” luôn một thể, “nói có sách, mách có chứng”. Thử hỏi mấy vị ấy có cứng lưỡi, “chết” luôn không?Thế mới là đấu tranh phê bình triệt để, đấu tranh đến cùng, truy diệt tận gốc những khuyết điểm của họ.
Quý còn giảng giải:
- Đấu tranh phải chọn thời cơ, đúng thời điểm thì hiệu quả mới cao. Tới đây, đại hội chi bộ, đảng bộ nhiệm kỳ mà “sút” thì các vị ấy chỉ có “thủng lưới”.
Nghe vậy, tôi choáng hết cả người, như bị “sốc nặng”, rồi phản ứng khá gay gắt:
- Cậu nói gì lạ vậy? Phê bình như cậu mà gọi là mang tính xây dựng à! Có mà triệt hạ nhau thì đúng hơn. Đều là anh em, đồng đội mình cả. Mục đích của đấu tranh phê bình là xây dựng để giúp nhau nhận ra thiếu sót, nhược điểm đang mắc phải hoặc có nguy cơ sẽ mắc, từ đó để đồng đội khắc phục, sửa chữa kịp thời. Còn nếu thấy khuyết điểm của đồng đội mà vẫn lặng im, để ý, theo dõi, tìm sơ hở, chờ thời cơ để phanh phui, thổi phồng, làm mất uy tín của đồng đội, thì không những trái với quan điểm của Đảng, vi phạm Điều lệ và nguyên tắc sinh hoạt Đảng, mà còn không đúng với truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc. Cậu làm như thế được sao? Hơn nữa, việc mình nêu trong sinh hoạt là mang tính cảnh báo, chứ đâu đã phải khuyết điểm. Tất nhiên, mới là dấu hiệu, nhưng nếu mình không nêu ra đề phòng thì sẽ dễ mắc khuyết điểm, thậm chí nghiêm trọng.
Quý có vẻ “chưa thông” cự lại:
- Cậu nghĩ thế nào về tớ mà nói năng vậy? Tính “phổi bò” như cậu trong cuộc họp có phê bình đến đâu cũng chả ai người ta tiếp thu.
- Việc có nghe hay để ngoài tai là quyền ở mỗi người, nhưng đã thế thì mình nói thật: nếu việc của cậu năm ngoái mà tớ cũng để dồn lại… rồi mới phê bình thì sẽ đến đâu? Cậu có thấy được những hậu quả của nó không? Khi ấy, chắc cả chi bộ đều cho tôi là “phổi bò” chứ?
Sau câu hỏi của tôi, Quý lặng im rồi gượng đứng dậy, trở lại bàn làm việc. Tôi biết cái lặng im của Quý đang sôi réo như thế nào trong tâm trạng? Có lẽ, Quý đang liên tưởng tới những điều xảy ra năm trước về việc lợi dụng tình cảm, vị trí công tác để nhờ vả đơn vị một cách vô nguyên tắc. Khi ấy, nếu không có những lời khuyên ngăn chân tình của tôi và một số đảng viên trong chi bộ thì Quý đã “sa lưới”, biết gỡ đằng nào?
Ở đời, ai cũng có ưu, có khuyết, chẳng ai hoàn hảo được cả. Vì vậy, ta nên chân tình, thẳng thắn, giúp nhau nhận ra thiếu sót, nhược điểm để sửa chữa, tiến bộ, như chính Quý đã được “hưởng” cái giá trị ấy, mà đã có lúc anh quên đi!
(QPTD)