Triển khai Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, cách đây hơn 1 năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ký kết và tiến hành chương trình giúp đỡ xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa).
GIÚP BỐN HỘ, BA HỘ THOÁT NGHÈO
Theo chương trình ký kết giữa hai đơn vị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận giúp đỡ bốn gia đình khó khăn ở xã, gồm: Y Bình (ở thôn Suối Cau), Y Phước (ở thôn Dốc Cát), Nguyễn Thanh Hải (ở thôn Ngân Điền) và Nguyễn Văn Thành (ở thôn Thành Hội); hỗ trợ em Trương Thị Thảo Nguyên, lớp 7 Trường THCS Sơn Hà, là học sinh nghèo vượt khó học giỏi mỗi tháng 200.000 đồng; hỗ trợ đồ dùng học tập, tổ chức sinh nhật, tặng quà… động viên em tiếp tục đến trường, giữ vững danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền. Bên cạnh đó, nhân dịp tết cổ truyền, các ngày lễ lớn của dân tộc và hàng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn tặng quà cho các gia đình khó khăn trong xã, giá trị mỗi suất từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; bổ sung thêm 30 đầu sách vào tủ sách pháp luật của xã. Đồng thời phối hợp Đảng ủy xã triển khai các hoạt động xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phân công ba cán bộ phối hợp với địa phương biên soạn lịch sử Đảng bộ xã Sơn Hà giai đoạn 1945-2010. Đến nay đã hoàn thành bản thảo và tổ chức hội thảo lấy ý kiến lần thứ nhất. Sau các ý kiến đóng góp, Ban Tuyên giáo tiếp tục hoàn thiện bản thảo, dự kiến cuối tháng 9/2015 sẽ tổ chức hội thảo lần thứ hai.
Để giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hỗ trợ hộ Y Bình (8 triệu đồng) và Y Phước (10 triệu đồng) để mỗi hộ mua, nuôi một con bò, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Còn hộ Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Thành thì được hỗ trợ 3 triệu đồng để mỗi gia đình mua một chiếc xe đạp (1,5 triệu đồng/chiếc) để làm phương tiện đi học và lao động sản xuất. Được sự động viên, khích lệ, lại biết chí thú làm ăn, đến nay, trong số bốn hộ trên thì các hộ Y Bình, Y Phước và Nguyễn Thanh Hải đã thoát nghèo. Y Phước cho biết: “Tôi rất biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và chính quyền địa phương. Muốn nhà mình hết nghèo, phải cố gắng lao động sản xuất và phải biết chi tiêu tiết kiệm”. Còn Y Bình thì nói: Con bò nhà tôi sắp đẻ rồi, mừng quá. Y Phước nói rất đúng, muốn kinh tế gia đình khá lên thì phải lo sản xuất cho tốt. Đảng, Nhà nước và nhà hảo tâm đâu có giúp hoài được.
NUÔI DƯỠNG QUYẾT TÂM THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Thanh Chung, việc giúp xã Sơn Hà đã thể hiện tính đúng đắn, phù hợp của mô hình gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên trong đơn vị đồng thuận, thống nhất cao và triển khai thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện, đơn vị nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã. Qua đó góp phần làm cho cán bộ, đảng viên cơ quan gắn bó hơn với cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Còn Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà Nguyễn Hồng Hà nhận xét: Qua hơn một năm triển khai, lãnh đạo xã và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện cam kết và đạt hiệu quả rất đáng khích lệ. Đáng chú ý là bốn gia đình được giúp đỡ rất phấn khởi, có ý thức và cố gắng hơn trong tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế. Điều này có tác động tích cực đến các hộ nghèo khác trong xã, góp phần củng cố thêm niềm tin của bà con đối với Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rà soát, xem xét để tiếp tục hỗ trợ các gia đình thoát nghèo bền vững, tiếp tục giúp xã bổ sung, chỉnh lý để hoàn chỉnh sơ thảo tập lịch sử Đảng bộ xã và sớm xuất bản. Bên cạnh đó, giúp đảng ủy xã báo cáo thời sự câu lạc bộ hàng quý hoặc 6 tháng và trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Hàng tháng, hàng quý, ban phân công các đảng viên, công chức, đoàn viên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ được giúp đỡ để cùng nhau tìm phương hướng hỗ trợ thiết thực phù hợp với điều kiện của cơ quan. “Lâu nay, nguồn lực chủ yếu là vận động từ sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phương thức giúp chủ yếu là tặng tiền mặt và nặng về hỗ trợ vật chất. Vì thế sắp tới cần có biện pháp giúp đỡ phong phú, mới mẻ hơn, phù hợp với thế mạnh của cơ quan, gắn với việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao giữa hai bên. Có như vậy, việc giúp đỡ mới đa dạng và đạt nhiều kết quả sâu rộng, thiết thực. Đặc biệt, phải khơi dậy và nuôi dưỡng cho được ý chí, quyết tâm thường xuyên, quyết liệt, tự lực vươn lên thì các hộ được giúp đỡ mới thực sự khấm khá được” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
NAM THÀNH