Thứ Bảy, 16/11/2024 06:49 SA
Mẹ hiền của trẻ khuyết tật
Thứ Sáu, 18/09/2015 08:47 SA

Với đôi mắt biết cười, đôi tay biết nói và trái tim ấm áp, cô Ngô Thị Kim Hương, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên đã dạy dỗ nhiều học sinh khuyết tật nên người. Sở hữu năng khiếu múa hát, hội họa, cô giáo 52 tuổi đời, 30 năm tuổi nghề này đã tổ chức nhiều sân chơi để các em tự tin hòa nhập cộng đồng.

 

Cô giáo Ngô Thị Kim Hương cùng học trò - Ảnh: H.MY

 

NHỮNG ĐIỆU MÚA ĐẶC BIỆT

 

Trong lễ khai giảng năm học mới của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, khán giả hướng mắt về sân khấu, lặng im thưởng thức những điệu múa nhịp nhàng của các học sinh khiếm thính. Ở góc bên hông, nơi nhiều người không để ý, cô giáo Ngô Thị Kim Hương cũng hướng về các em, nhưng không phải để thưởng thức. Cô dùng tay ra dấu để các em múa khớp với lời nhạc. Trước đây, ở mỗi bài múa, cô Hương phải múa mẫu để các em múa theo. Còn bây giờ, cô chỉ ra dấu tay hoặc dùng ánh mắt, nét mặt để hướng dẫn các em.

 

Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến cô Hương trong vai trò biên đạo của một đội hình đặc biệt. Hầu như trong các chương trình văn nghệ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, cô luôn là người dàn dựng và chỉ đạo. Vốn là giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường cấp 2-3 Lê Lợi (nay là Trường THPT Lê Lợi, huyện Đồng Xuân), năm 1999, cô Hương theo chồng chuyển vào công tác tại Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên). Có năng khiếu văn nghệ và mong muốn tạo sân chơi cho học sinh khuyết tật nên khi vừa về trung tâm, cô liền tập hợp các em để dạy múa. Cô Hương bộc bạch: “Dạy trẻ khuyết tật khó hơn dạy trẻ bình thường rất nhiều. Lúc đầu, do bất đồng ngôn ngữ nên tôi lúng túng trong triển khai bài múa cho các em. Tôi tìm cách tiếp xúc các em nhiều hơn và học ngôn ngữ ký hiệu để thuận lợi trong giao tiếp. Ròng rã nhiều tháng liền, tối nào, tôi cũng xuống trung tâm để dạy cho các em múa. Nhờ kiên trì, đến nay, các em đã “dự trữ” được nhiều bài múa hay để biểu diễn trong các chương trình ở trường, tỉnh và Trung ương”.

 

Dưới sự dẫn dắt của cô Hương, đội văn nghệ Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên đã nhiều lần tham dự và đạt giải cao tại các hội diễn toàn quốc. Năm 2014, trung tâm đạt HCV với vở kịch “Tấm Cám” và HCB với bài múa “Con bướm xuân” tại Hội diễn văn nghệ học sinh khuyết tật toàn quốc. Mới đây, trung tâm đạt HCV văn nghệ tại Ngày hội trẻ em khuyết tật ở Hòn Tằm (Khánh Hòa). Ngoài ra, đội văn nghệ của trung tâm cũng đã từng tham gia biểu diễn tại nhiều nhà hát lớn trong nước.

 

XEM HỌC TRÒ NHƯ CON

 

Không chỉ dạy văn nghệ cho học sinh khuyết tật, cô Hương còn phối hợp với các giáo viên, tình nguyện viên dạy vẽ cho các em. Nhìn học sinh phấn khởi giới thiệu tác phẩm của mình cho mọi người tại các cuộc triển lãm tranh “Chắp cánh ước mơ”; tự tin so tài và đạt giải cao tại Hội thi tô tượng và vẽ tranh - Nhành cọ non do Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên tổ chức năm 2015, cô Hương không giấu nổi niềm xúc động và tự hào. Cô bảo, nếu như thành công của giáo dục trung học là đào tạo được nhiều học sinh giỏi, thì thành công của giáo dục học sinh khuyết tật là trang bị cho các em kỹ năng sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

 

Trên lớp, cô Hương còn được học sinh khuyết tật thương gọi bằng cái tên trìu mến: mẹ Hương. Vừa dạy kiến thức, cô vừa dùng tình yêu thương để uốn nắn các em. Nhiều em lúc mới nhập học rất nghịch, nhưng qua một thời gian được cô dạy dỗ đã trở nên ngoan hiền, lễ phép. Cô không quát mắng mà luôn nhẹ nhàng bảo ban các em. Nhớ lại một kỷ niệm những năm đầu mới vào nghề, cô Hương chia sẻ: “Tôi nhớ mãi em học trò tên Chiến. Lúc tôi mới được phân công phụ trách lớp em, em rất nghịch, không chịu học mà còn chọc phá bạn bè. Một hôm, tôi vào lớp, chuẩn bị ngồi xuống ghế thì em phi lên, xô tôi té nhào ra đất. Sau đó, em lấy hai tay lau bụi phấn dính trên ghế cho sạch, rồi kéo tôi lại ngồi. Nhìn cử chỉ của em lúc đó, tôi thấy thương học trò mình vô hạn và nhủ lòng phải quan tâm, dạy dỗ các em bằng cả trái tim”.

 

Sau những giờ “cháy” hết mình trên lớp, cô Hương lại về với mái ấm nhỏ hạnh phúc của mình. Nơi ấy có người chồng là giảng viên dạy Mỹ thuật Trường đại học Phú Yên, luôn đợi cô. Mong ước của vợ chồng cô là sang Úc để thăm hai con gái đang học tiến sĩ và thạc sĩ kiến trúc.

 

Hiệu trưởng Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên Nguyễn Thị Hồng, cho biết: “Cô Hương là một giáo viên được nhiều đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Cô gần gũi, nhiệt huyết, có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào tại trung tâm. Bằng tình yêu thương trẻ, cô đã gần gũi, dạy dỗ nhiều học sinh khuyết tật, trang bị kỹ năng sống cho các em”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek