Sáng hôm ấy, về công tác tại xã A, đến đường bê tông rẽ vào trụ sở ủy ban, tôi thấy nhiều người ăn mặc chỉnh tề đi bộ với vẻ mặt trầm ngâm. Khi làm việc với chủ tịch xã, đem sự việc hỏi, ảnh trầm giọng: Bà con nhân dân đi viếng chú T đó anh. Chú mất trưa hôm qua vì bị đột quỵ, gia đình đưa xuống bệnh viện tỉnh nhưng không kịp. Rồi anh kể: Chú T là chủ tịch rồi làm bí thư xã cách đây hơn mười năm. Trong thời gian đương chức, chú làm việc gì cũng thẳng thắn, công khai, minh bạch nên anh em và dân rất thương. Là cán bộ chủ chốt cao nhất ở địa phương nhưng chú thường đi cơ sở để nắm bắt tình hình, nghe ngóng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Nhờ vậy, chú phát hiện, chỉ đạo giải quyết nhiều sự việc rất thấu tình đạt lý, cấp dưới và bà con rất tâm phục khẩu phục. Xã chúng tôi đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, vượt kế hoạch huyện giao là có công rất lớn của chú T đó. Chính nhờ phong cách công tác giản dị nhưng quyết liệt, đầy trách nhiệm của chú mà đội ngũ cán bộ xã hiện nay mới đạt chuẩn theo yêu cầu và luôn phấn đấu làm việc để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của từng người. Anh ở lại chiều nay mà xem, đám tang của chú dân người ta đi đưa đông lắm…
Chia tay chủ tịch xã, trên đường về, tôi ghé vào một quán giải khát ven đường. Chị chủ quán sau khi mang chai nước cho tôi, hỏi một ông khách mới đến: Anh Sáu đi viếng bác T chưa? Em chờ con út tan giờ học về trông nhà rồi mới đi được. Người đàn ông tên Sáu trả lời: Hai vợ chồng anh viếng bác T hồi sáng sớm rồi, chiều nay đi tiễn bác tiếp. Anh nghe xóm mình nhà nào cũng bàn nhau đi đưa bác T hết…
Lục tìm trong quá khứ, càng hiểu cán bộ mà sát dân, gần dân, thương dân, biết lo cho dân thì bao giờ cũng được dân tin, dân quý. Một trong những trường hợp tiêu biểu đó là Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) Phan Thế Phương. Năm 1985, sau khi cơn bão lớn tàn phá miền Trung, trong đó Bình Trị Thiên bị thiệt hại nặng nề, ông đi vận động hàng ngàn ngư dân vạn chài lên bờ sinh sống để tránh các thiên tai bất thường ở vùng đầm phá Tam Giang (bây giờ thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế). Để giúp các hộ dân này yên tâm xây dựng cuộc sống mới, ông mang nghề nuôi tôm sú về trực tiếp phổ biến, hướng dẫn cho bà con làm ăn. Cả một vùng quê bấy lâu dân tình đời sống kinh tế khó khăn đã đổi đời nhanh chóng nhờ nghề mới này. Tháng 10/1991, ông mất trong một tai nạn giao thông khi trên đường đi công tác miền Nam tìm hướng đi cho xuất khẩu thủy sản và đám tang ông có rất nhiều người dân các nơi đến dự. Sau khi ông qua đời, tưởng nhớ đóng góp của vị giám đốc thương dân này, bà con đã xây đền thờ, tôn ông làm ông tổ nghề nuôi tôm ở địa phương, làm Thần hoàng làng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng. Người dạy: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân… Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”. Để dân tin, dân thương, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ. Làm được như vậy tức là thiết thực xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo, quản lý tốt, đưa đất nước tiến lên phồn vinh, hạnh phúc, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
THIỆN VĂN