Thứ Ba, 15/10/2024 09:12 SA
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Chủ Nhật, 30/08/2015 08:58 SA

Diễu binh trong ngày lễ Quốc khánh 2/9 - Ảnh: T.L

70 năm qua, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã và đang đem lại những thành quả nhất định trong thực tiễn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

 

MỞ RỘNG ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

 

70 năm qua, nhất là qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh - quốc phòng. Để có được những thành tựu trên, các thế hệ người Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong mối quan hệ với quốc tế. TS Nguyễn Thị Phương Nam, Học viện Chính trị khu vực I, nhận định: Sự phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều gắn với môi trường khu vực và quốc tế. Ngày nay, không có quốc gia nào có thể tự cô lập với thế giới mà đều có mối liên hệ và chịu sự tác động của xung quanh. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế phải bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc, hướng vào thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập. Việt Nam đang hướng tới đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, như: nâng cao hiệu quả hoạt động trong ASEAN, Liên Hợp Quốc; tăng cường hợp tác trong bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực.

 

Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Kim Cương, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khẳng định, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” luôn là sợi chỉ đỏ cho từng chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, cả trong lịch sử lẫn trong giai đoạn hiện nay. Với lý tưởng mà Đảng theo đuổi là chủ nghĩa quốc tế vô sản, nên ngay từ khi thành lập, Đảng đã chủ trương coi trọng đoàn kết quốc tế. Chủ trương này đã được chứng minh suốt quá trình Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, tới hai cuộc chiến tranh giải phóng, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiếp đó, từ sau khi khởi xướng công cuộc đổi mới đến Đại hội Đảng lần thứ VII và Cương lĩnh 1991, chúng ta lại có những điều chỉnh lớn trong việc hướng ra thế giới, từ giai đoạn mở rộng quan hệ đối ngoại đến từng bước phát triển hướng tới khuôn khổ hội nhập quốc tế. Với những hành động cụ thể trong mở rộng quan hệ với quốc tế như: bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tín dụng quốc tế (10/1993), chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ (7/1995), ký Hiệp định khung hợp tác với cộng đồng châu Âu (7/1995), gia nhập ASEAN (7/1995) và nhanh chóng ký kết tham gia Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA)... có thể khẳng định Việt Nam đã bắt đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, từ hội nhập kinh tế đến hội nhập toàn diện về kinh tế, chính trị và văn hóa, xã hội. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình Việt Nam tham gia hội nhập khu vực và quốc tế trong giai đoạn mới.

 

GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ

 

Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay không thể tách rời chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại từ thành công của Cách mạng Tháng Tám. PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện Sử học, chỉ rõ, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới cũng như khủng hoảng kinh tế, xã hội trong nước, Đảng ta đã mạnh dạn “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Như vậy, chúng ta đã biết “nắm bắt thời thế, đổi mới tư duy phù hợp với thực tiễn của cách mạng và thế giới”. PGS.TS Nguyễn Văn Nhật nhấn mạnh: Trong xu thế hiện nay, không quốc gia nào phát triển mà tách khỏi trào lưu chung của thế giới. Việt Nam cần tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Điều quan trọng là trong khi hội nhập phải giữ vững độc lập, tự chủ. Hiện nay, các cường quốc trên thế giới đang sử dụng các biện pháp kinh tế, tài chính, quân sự can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các nước, nhất là những nước nhỏ, nhằm thay đổi ý thức hệ hoặc xâm chiếm lãnh thổ. Song, thực tế lịch sử những năm 1945-1946, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong các hội nghị quốc tế Geneva, hội nghị Paris về Việt Nam và trong các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, trong vấn đề diễn biến hòa bình, tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay, càng khẳng định sự quan trọng của việc giữ vững độc lập và tự chủ trong quan hệ quốc tế.

 

Khi khẳng định vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận, kể từ Cách mạng Tháng Tám, tiêu chí xây dựng nhà nước độc lập - tự do - hạnh phúc đã dẫn dắt dân tộc ta đến thành công trong sự nghiệp đổi mới xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa hiện nay. Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ nguyên tiêu chí độc lập - tự do - hạnh phúc đã khẳng định sự bất biến và giá trị định hướng của nó. Nói cách khác, độc lập - tự do - hạnh phúc là triết lý sinh tồn của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

 

Theo PGS.TS Võ Kim Cương, gắn kết độc lập dân tộc với trào lưu cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được thể hiện rõ trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (tháng 12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” với các nước, “chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc”. Điều này cũng thể hiện qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm Cộng hòa Pháp với tư cách nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và có những hoạt động nhằm thu hút dư luận Pháp cũng như thế giới ủng hộ nguyện vọng độc lập của dân tộc Việt Nam, kêu gọi công nhận nền độc lập của Việt Nam.

 

(ĐBND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek