Thứ Bảy, 16/11/2024 17:06 CH
Phấn đấu xây dựng huyện Đông Hòa trở thành thị xã trước năm 2020
Thứ Sáu, 21/08/2015 08:03 SA

Phó bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Trà trao bằng khen của Tỉnh ủy cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc của huyện Đông Hòa về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Ảnh: PV

Qua gần 30 năm đổi mới và 10 năm thành lập huyện Đông Hòa, Đảng bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Những cơ chế, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho huyện phát triển theo hướng bền vững.

 

Các công trình, dự án lớn trên địa bàn huyện đã, đang xây dựng và phát huy như dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 29, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, Hầm đường bộ qua đèo Cả; có cảng Vũng Rô, cảng cá Phú Lạc, cảng hàng không Tuy Hòa, khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, Hòa Hiệp 2; có thị trấn Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung và các vùng phụ cận… sẽ tạo động lực để huyện phát triển trở thành thị xã trước năm 2020.

 

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, huyện gặp không ít khó khăn, điểm xuất phát kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn tiếp tục thực hiện để phục vụ các công trình, dự án lớn trên địa bàn huyện và giải quyết những vấn đề vướng mắc của công tác giải phóng mặt bằng trước đây là nhiệm vụ cần tập trung giải quyết dứt điểm.

 

TẬP TRUNG MỌI NGUỒN LỰC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

 

Từ những thuận lợi cơ bản và khó khăn nêu trên, Đảng bộ xác định mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020. Đó là:

 

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao năng lực điều hành và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch các ngành, sản phẩm chủ yếu để xác định hướng ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 và các năm tiếp theo. Hoàn chỉnh quy hoạch và đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng: Phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; dịch vụ cảng biển và hậu cần nghề cá; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, thương mại; phát huy lợi thế các khu công nghiệp hiện có, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

 

Từng bước đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao, chuyển từ tăng trưởng nhờ vốn và lao động giản đơn sang tăng trưởng theo hướng dựa chủ yếu vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên lợi thế cạnh tranh của huyện và theo định hướng của tỉnh về phát triển vùng kinh tế Nam Phú Yên, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng chủ yếu; đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tiếp tục phát triển mạnh các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh.

 

Phát triển công nghiệp, xây dựng theo hướng hiện đại, bền vững; tập trung phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2015-2020 tăng 51,8%/năm. Phát triển công nghiệp với nhiều quy mô, trình độ khác nhau, phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong huyện.

 

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện có trọng tâm, trọng điểm theo hướng hiện đại và đồng bộ; đấu nối phù hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, Trung ương qua địa bàn làm nền tảng thu hút đầu tư, liên kết và phát triển. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu vực này. Tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn trên địa bàn. Tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thành hạ tầng giao thông, thủy lợi, kè biển, kè sông, điện và hạ tầng dịch vụ, thương mại.

 

XÂY DỰNG HUYỆN ĐÔNG HÒA THÀNH THỊ XÃ TRƯỚC NĂM 2020

 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện đến năm 2020. Tập trung đầu tư chỉnh trang hai thị trấn, nhất là thị trấn Hòa Hiệp Trung để sớm được công nhận là đô thị loại 4 trước năm 2018, làm tiền đề đưa Đông Hòa trở thành thị xã trước năm 2020.

 

Tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng và phát triển chiều sâu các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện có; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm. Thực hiện sắp xếp và di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư tập trung đến các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

 

Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề có lợi thế về tài nguyên, nguyên liệu và lao động tại chỗ như: Chế biến nông, thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng không nung, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển nhiều ngành nghề mới theo nhu cầu thị trường. Quan tâm đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập. Tích cực chủ động tìm thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các ngành thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

 

Phấn đấu giá trị sản xuất các ngành thương mại - dịch vụ giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 15%/năm. Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng (chợ, bến xe, ngân hàng, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, vui chơi giải trí…). Cùng với tỉnh thực hiện việc xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài huyện phát triển các loại hình dịch vụ mới và mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng xã hội hóa các hoạt động dịch vụ. Chú trọng khai thác thị trường tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường nông thôn, tăng cường công tác quản lý thị trường.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, trong đó chú ý các khu du lịch trọng điểm của huyện như: Bãi Môn - Mũi Điện, Đá Bia, Khu du lịch Tàu Không số - Vũng Rô, Khu du lịch sinh thái Đèo Cả, Khu du lịch Đập Hàn; kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án du lịch biển. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, gắn hoạt động du lịch của huyện với các hoạt động du lịch của tỉnh.

 

Chú trọng đẩy mạnh và phát triển dịch vụ vận tải biển, dịch vụ logistics, các dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu, công nghiệp phụ trợ gắn với cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Đổi mới toàn diện và mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nghề cho nông dân để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Chăm lo phát triển văn hóa, thể dục thể thao: Tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy tốt các giá trị văn hóa dân tộc, phục vụ công tác giáo dục truyền thông xây dựng con người. Tập trung tu bổ, khôi phục các khu di tích trên địa bàn huyện, giữ gìn và phát huy các lễ hội truyền thống và bảo tồn các nghệ thuật hiện có. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội.

 

Chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững; làm tốt công tác chăm sóc người có công, người già, người có hoàn cảnh khó, đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ.

 

Đổi mới hoạt động khoa học - công nghệ theo hướng hiệu quả, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới có giá trị kinh tế vào thực tiễn sản xuất, đời sống; trong đó ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Tăng cường chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả từng bước hình thành phát triển công nghệ thông tin đạt chuẩn, đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ công nghệ mới.

 

Những thành tựu nhiệm kỳ 2010-2015 là cơ sở vững chắc để huyện Đông Hòa phát triển đồng bộ, bền vững, nỗ lực phấn đấu đưa Đông Hòa trở thành thị xã trước năm 2020, trở thành một đô thị công nghiệp trẻ bên dòng sông Bàn Thạch trong chuỗi đô thị ven biển miền Trung.

 

Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,8%/năm

 

Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 3,8%/ năm. Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn và hỗ trợ đầu tư cho vùng sản xuất nông thôn tập trung, nhất là xây dựng hạ tầng thủy lợi, giống, công nghệ. Quy hoạch và đầu tư các vùng sản xuất chuyên canh (lúa, rau, chăn nuôi, thủy sản). Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã mở rộng, phát triển các dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp như hoạt động khuyến nông, tín dụng nội bộ, tổ chức thực nghiệm, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa hình thành các cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa có lợi thế của huyện.

 

Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

Thực hiện tốt quy hoạch và quản lý vùng nuôi trồng thủy sản đảm bảo hợp lý, an toàn, bền vững. Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá nước lợ, cá biển). Đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở nuôi thâm canh, tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng giống thủy sản trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện để ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hình thành các liên kết tạo nên các chuỗi giá trị trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

 

Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đầu tư có trọng điểm, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị kinh tế cao.

 

LÊ THANH NGHIÊM

Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek