Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 40, chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Khí tượng thủy văn và Luật An toàn thông tin.
Để làm rõ hơn trách nhiệm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường và Ban soạn thảo đã nghiên cứu, bổ sung quy định rõ các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy định trong hoạt động quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; cố ý cung cấp các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn sai lệch hoặc không đầy đủ tại khoản 1 và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại khoản 2, khoản 3 điều 8.
Đồng thời, quy định về tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn tại khoản 2 điều 22.
Quy định trách nhiệm của hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải xây dựng, thường xuyên cập nhật quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy định dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, cũng như phải thực hiện đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tại điều 25; quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động dự báo của tổ chức, cá nhân tại điều 26.
Về việc có coi dịch vụ dự báo khí tượng, thủy văn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân nào muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định về năng lực hiểu biết, cơ sở vật chất kỹ thuật, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì mới được hoạt động trong lĩnh vực này.
Vấn đề đặt ra là trong Luật Đầu tư chưa đưa dịch vụ này vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Vì vậy trong dự thảo luật, điều 57 đã quy định bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Phụ lục 4 của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 như sau: “268. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với quan điểm cần xã hội hóa trong hoạt động khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung xã hội hóa gồm những gì, xã hội hóa khâu nào và việc sử dụng kết quả như thế nào thì dự thảo luật chưa thể hiện nhất quán.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần cân nhắc vấn đề cho tư nhân tham gia hoạt động quan trắc, hay một số hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, dự thảo luật cần quy định cụ thể về những lĩnh vực thông tin khí tượng thủy văn bắt buộc phải công bố công khai; những lĩnh vực nào cung cấp thông tin nhưng theo yêu cầu và có thu phí.
Về phí, lệ phí của dịch vụ khí tượng, thủy văn, rõ ràng đây là dịch vụ phải thu phí. Chúng ta đang xây dựng Luật Phí, lệ phí, nên trong dự thảo Luật Khí tượng thủy văn chỉ nên quy định đây là dịch vụ, cho phép thu phí. Còn quy định mức độ thu, chế độ thu thế nào thì cần căn cứ theo quy định của Luật Phí, lệ phí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn... Thời gian còn lại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật An toàn thông tin.
Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị viết rõ hơn tên dự án Luật thành “Luật An toàn thông tin mạng” hoặc “Luật An toàn thông tin, an ninh thông tin mạng” để phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh của Luật; đồng thời đề nghị cần cân nhắc về nội dung thông tin được truyền tải trên mạng. Tiếp thu ý kiến này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã thống nhất với Ban soạn thảo điều chỉnh tên luật thành “Luật An toàn thông tin mạng” để phù hợp với nội dung dự thảo luật.
Đối với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật xin được không điều chỉnh về nội dung thông tin, mà chỉ tập trung vào những vấn đề như an toàn thông tin trên mạng, kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, nguyên vẹn các nội dung thông tin trong quá trình truyền tải mà không bị sửa đổi, tiết lộ và gián đoạn...
Về mật mã dân sự, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, giao cho Cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và đảm bảo an ninh quốc gia.
Trên thực tế, mật mã dân sự đang được Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý. Nếu giao cho cơ quan khác sẽ phát sinh bộ máy gây lãng phí và không sử dụng được nguồn nhân lực đã được dày công đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất và trình độ đang có tại Ban Cơ yếu Chính phủ...
Sáng 13/8, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng.
Theo TTXVN, Vietnam+