Tuy An được ưu đãi với nhiều danh thắng, di tích cấp quốc gia, biển, đảo, đầm, vịnh, các làng nghề truyền thống phù hợp để phát triển du lịch. Đó cũng là một trong những định hướng, mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới.
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010- 2015, Tuy An đạt nhiều kết quả quan trọng: Nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu nền kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH; văn hóa, xã hội có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn người dân được cải thiện, hộ nghèo giảm đáng kể; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững… tạo tiền đề quan trọng để Tuy An phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Về kinh tế, huyện có tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2010-2015 tăng bình quân hàng năm 11,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, trong đó kinh tế biển tiếp tục được quan tâm. Hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu tránh trú bão được đầu tư và đưa vào sử dụng, xây dựng một số công trình, như: cảng cá Tiên Châu, lạch Vạn Củi, cửa biển An Hải, Lễ Thịnh, kè biển An Ninh Đông. Sản lượng đánh bắt thủy, hải sản trong năm 2015 ước đạt 12.000 tấn, bằng 118,8% nghị quyết đề ra. Huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng có bước phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm thực hiện hơn 3.786 tỉ đồng. Nhiều công trình quan trọng như: cầu Lò Gốm, cầu An Hải nối liền tuyến đường cơ động ven biển; cầu Long Phú kết nối tuyến đường dọc đầm Ô Loan; nâng cấp đường giao thông An Hiệp - An Lĩnh; tuyến giao thông Hội Tín - Phú Thịnh, tuyến đường Long Bình - An Lĩnh; phối hợp nhà đầu tư và ngành chức năng của tỉnh xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Tuy An - Sơn Hòa (ĐT643); dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện, kè biển An Ninh Đông, kè Sông Vét…
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2015, xã An Cư và An Mỹ đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới; bình quân đạt 14,8 tiêu chí/xã. Phong trào làm đường nông thôn theo chủ trương của tỉnh được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong 5 năm, huyện bê tông hóa 239,3km đường nông thôn, nâng tỉ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 88,65%.
Công tác giáo dục và đào tạo; văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo đối tượng người có công, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… được quan tâm đầu tư. Quốc phòng - an ninh giữ vững, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
TẬP TRUNG CÁC NGÀNH KINH TẾ THẾ MẠNH
Xác định kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong nhiệm kỳ tới huyện tiếp tục tập trung phát huy nội lực, có cơ chế hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo mô hình nông - lâm - thủy sản kết hợp, gắn với bảo vệ môi trường nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển thủy sản, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền đất nước. Nâng cao năng lực của các cơ sở đóng mới tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất trên 400CV theo Nghị định 67 của Chính phủ để phục vụ đánh bắt xa bờ; tiếp tục duy trì hoạt động Nghiệp đoàn nghề cá An Ninh Tây, xây dựng các tổ đội tàu thuyền an toàn trên biển. Phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, phấn đấu đến năm 2020, ngành này chiếm 31,1% tỉ trọng trong cơ cấu nền kinh tế của huyện.
Một trong những thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế của Tuy An là kinh tế du lịch. Với 10 di tích lịch sử cấp tỉnh, 7 di tích cấp quốc gia và nhiều tài nguyên du lịch biển, đảo, sinh thái rừng là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển dịch vụ - du lịch. Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện xác định trong 5 năm tới cần tập trung đầu tư xây dựng các khu du lịch, khai thác các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội để phát triển các loại hình du lịch.
Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch biển. Có cơ chế hợp lý để khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư tham gia kinh doanh các điểm du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu vực có điều kiện như: Khu du lịch Gành Đá Đĩa, Bãi Xép - An Chấn, Phước Đồng - Lao Mái Nhà (An Hải) và khu ẩm thực Đầm Ô Loan; tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án đã đăng ký. Phấn đấu giai đoạn 2016- 2020 tổng lượt khách du lịch đến Tuy An đạt 2,5 triệu lượt.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn đầu tư FDI, vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước, vốn ODA, vốn tư nhân… để phát triển sự nghiệp kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thị trấn Chí Thạnh lên đô thị loại IV và khu thị tứ xã An Mỹ, An Cư lên đô thị loại V trước năm 2020.
NGUYỄN PHỤNG NGOẠN
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy An