Chiều 7/8, tại nhà khách Chính phủ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
Tại cuộc hội đàm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh Ngoại trưởng John Kerry trở lại thăm Việt Nam, bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực trên nhiều mặt của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong hai năm qua sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp; tin tưởng rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác có hiệu quả trên cả 9 lĩnh vực trong khuôn khổ Đối tác toàn diện xác lập tháng 7/2013.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đang chia sẻ nhiều lợi ích trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, cũng như chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tiếp tục các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là các cuộc tiếp xúc cấp cao; đề nghị Hoa Kỳ linh hoạt, tính đến trình độ phát triển của Việt Nam trong xử lý một vài vấn đề còn lại nhằm sớm kết thúc đàm phán giữa hai nước về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đề nghị Hoa Kỳ tích cực triển khai các dự án tẩy độc chất da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hoàn thành việc tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng, đồng thời tăng trợ giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự biến đổi khí hậu.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam để tăng cường xây dựng lòng tin giữa hai nước. Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh giá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là hình mẫu về việc hai nước cựu thù vượt qua quá khứ để xây dựng quan hệ bạn bè, đối tác.
Ngoại trưởng John Kerry đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong đàm phán TPP, khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các bên sớm kết thúc đàm phán TPP; cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa; khẳng định ủng hộ việc mở cửa hơn nữa thị trường cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông sản; khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hơn nữa trong đối phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, trong đó có kết quả các hội nghị ASEAN mới đây tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ngoại trưởng Kerry bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cho rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường đoàn kết ASEAN.
Về vấn đề biển Đông, hai bên cho rằng các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc DOC, tiến tới COC, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chủ trì họp báo để thông báo về kết quả của cuộc hội đàm và trả lời câu hỏi của báo chí.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết "đánh giá về triển vọng hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)", Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết: "Đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn những vấn đề tồn đọng, mà hôm nay chúng tôi đã thảo luận những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Các nước khác cũng có những vấn đề phải giải quyết trong những ngày tới để hy vọng TPP sẽ được hoàn tất vào dịp cuối năm nay".
Trao đổi với phóng viên về vấn đề nhân quyền, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết hai nước đã thảo luận thường xuyên và thẳng thắn về vấn đề này, ngay từ khi mới bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ. Việt Nam vừa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về chống tra tấn, sửa đổi và thông qua các luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 như bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, cải cách tư pháp...
Về vấn đề biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ trước việc quân sự hóa, lấn đảo, đồng tình phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao hoặc thông qua tòa án quốc tế.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhận định, việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một bước tiến quan trọng, khi mà Liên Hợp Quốc đang phải nỗ lực tìm kiếm nguồn lực cho công tác gìn giữ hòa bình. Hai nước cũng có thể hợp tác về an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, đối phó với bão, lụt, vấn đề người tị nạn trên biển...
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định ở Việt Nam mọi chính sách đều đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Việt Nam hết sức coi trọng và thúc đẩy quyền con người. Một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đã, đang làm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy quyền con người.
Cụ thể Hiến pháp năm 2013 có một chương riêng về quyền con người. Đây là điểm mới trong Hiến pháp hiện nay. Việt Nam đang tích cực hoàn thiện các luật liên quan đến quyền con người cụ thể được quy định trong Hiến pháp cũng như trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia, đảm bảo mọi người dân được thực hiện quyền con người.
Cụ thể Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Hình sự cũng như đang trong quá trình soạn thảo những luật mới liên quan. Việt Nam cũng tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người như phê chuẩn Công ước chống tra tấn; phê chuẩn Công ước về người tàn tật.
Đến nay Việt Nam là một trong số các nước trên thế giới đã tham gia hầu hết các công ước về quyền con người. Giữa Việt Nam với các nước về vấn đề quyền con người vừa có tính phổ quát nhưng cũng có tính đặc biệt, tùy thuộc vào sự phát triển của các nước cũng như sự khác biệt về văn hóa.
Do đó Việt Nam sẵn sàng đã và đang đối thoại về nhân quyền với nhiều nước, trong đó có đối thoại về nhân quyền với Hoa Kỳ. Việt Nam sẵn sàng trao đổi những vấn đề còn khác biệt trong vấn đề nhân quyền, chia sẻ những kinh nghiệm để hoàn thiện, làm tốt hơn các chính sách về quyền con người.
Trả lời câu hỏi về việc đẩy nhanh dự án xây dựng Trường đại học Fulbright ở Việt Nam, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết: “Những việc quan trọng nhất đã làm xong, như cấp giấy phép và bắt đầu xây dựng. Đại diện Đại học Fulbright Việt Nam hôm nay cũng đã thông tin về các ngành đào tạo dự kiến của trường".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng cho biết Đại học Fulbright Việt Nam sẽ sánh ngang với các đại học hàng đầu trên thế giới. Điểm mới là trường sẽ thúc đẩy giáo dục tự quản, tự do học thuật, sinh viên có thể học tiếp ở nước ngoài, có các học bổng "để sinh viên không giàu cũng học được, chỉ cần có ước vọng”.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hợp tác về giáo dục là hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đây là lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu, đặc biệt phía Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay có 17.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ. Việc xây dựng trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế là nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp và tích cực hội nhập với thế giới. Việt Nam hết sức quan tâm thực hiện dự án xây dựng Trường đại học Fulbright.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, hiện nay quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ được xác lập là Đối tác toàn diện từ năm 2013. Việt Nam mong muốn quan hệ được phát triển trên cơ sở tạo dựng lòng tin về chính trị, tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai nước.
Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam Hoa kỳ phát triển nhanh chóng, hợp tác giáo dục được tăng cường. Việt Nam rất mong muốn hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến để phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước.
Về lĩnh vực an ninh quốc phòng, hiện nay một vấn đề còn tồn tại là Hoa Kỳ chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Việt Nam mong rằng Hoa Kỳ sớm xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, tăng cường về hợp tác, an ninh quốc phòng. Việt Nam coi trọng vai trò của Hoa Kỳ trong việc đóng góp vào duy trì môi trường hòa bình ổn định trong khu vực.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)