Nhờ được các cấp ngành quan tâm đầu tư, hướng dẫn đẩy mạnh sản xuất, làm kinh tế, đến nay, đời sống nông dân ở huyện Tây Hòa ngày càng được cải thiện.
Đến nay, phong trào thi đua yêu nước ở huyện Tây Hòa đã mang lại kết quả rất khả quan. Năm 2010, toàn huyện có 6.150 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp thì năm 2014 tăng lên tới 7.754 hộ đạt danh hiệu này; trong đó, gần 700 hộ nông dân có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, trong 5 năm qua, huyện Tây Hòa có 1.049 hộ vươn lên thoát nghèo. (Ông Trần Văn Danh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Hòa) |
“ĐÒN BẨY” CHO NÔNG DÂN
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện Tây Hòa đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp nông dân sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, phong trào thi đua của hội ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm không ngừng tăng lên. Trong các phong trào thi đua, để hội viên, nông dân hưởng ứng và mang lại hiệu quả tích cực, hội đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Tây Hòa đã phân bổ về cho xã Hòa Phú 350 triệu đồng để các hộ vay nuôi bò vỗ béo và 450 triệu đồng cho xã Hòa Bình 1 để nuôi bò sinh sản. Đến nay, các hộ vay đã gầy đàn hiệu quả và trả lại tiền vay đúng hạn để hội xoay vòng vốn cho những hộ khác vay. Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Hòa Trần Văn Danh cho biết: “Ngoài việc tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ của hội, chúng tôi còn làm cầu nối với hai ngân hàng để hội viên, nông dân vay vốn làm ăn phát triển kinh tế. Đến nay, thông qua Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Tây Hòa, trên 8.500 hộ được vay với tổng dư nợ 227 tỉ đồng và tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Hòa có trên 4.400 hộ vay với tổng dư nợ hơn 81 tỉ đồng”.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ngành chức năng ở huyện và tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 47.250 lượt hội viên, nông dân với những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư sản xuất, cho thu nhập ngày càng cao.
XUẤT HIỆN NHIỀU ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN
Nhờ được chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình trồng lúa kết hợp với chăn nuôi, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh dịch vụ, mô hình tiểu thủ công nghiệp và gia công chế biến mang lại thu nhập cao... Ông Trần Văn Dưỡng ở xã Hòa Thịnh là một điển hình. Khi lập gia đình, vợ chồng ông Dưỡng chỉ có vài sào ruộng để trồng lúa. Năm 2002, vợ chồng ông Dưỡng vay được 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thuê thêm ruộng làm ăn. Qua nhiều năm sản xuất, dành dụm, đến nay, vợ chồng ông Dưỡng có được 3ha lúa. Đặc biệt, những năm trở lại đây, Nhà nước khuyến khích người dân cơ giới hóa trong sản xuất, ông Dưỡng mạnh dạn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp với giá 250 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện vươn lên thoát nghèo và trả hết nợ. Không dừng ở đó, năm 2014, ông tiếp tục mua thêm một máy gặt đập liên hợp nữa với giá 570 triệu đồng. Ông Dưỡng cho biết: “Bên cạnh làm ruộng, kinh doanh máy cắt, vợ chồng tôi còn nuôi 7 con trâu, bò; mỗi năm trừ chi phí lãi ròng 150 triệu đồng. Bây giờ, đời sống gia đình tôi được nâng lên đáng kể, con cái có điều kiện học hành”. Tương tự, vợ chồng ông Trần Ngọc Lâm ở thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1 có hơn 1ha đất bãi bồi ven sông Ba. Nhờ được giới thiệu, tập huấn các mô hình kinh tế hiệu quả, vợ chồng ông mạnh dạn đầu tư nuôi heo rừng lai, bò sinh sản và trồng bắp. Hiện ông Lâm sở hữu 55 con heo rừng lai lớn nhỏ, 14 con bò lai, mỗi năm trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng. Ông Lâm nói: “Mới đây, thông qua Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Tây Hòa, tôi đã vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô đầu tư cho mô hình nuôi heo rừng lai và bò sinh sản”.
HIẾU TRUNG