Từng thoải mái sử dụng phân hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật để cho rau mau lớn, bắt mắt nên anh Phú cảm thấy có lỗi với người tiêu dùng. Và rồi anh quyết định đầu tư nhà lưới để trồng rau an toàn.
Ông Phạm Tỵ, Chủ tịch hội Nông dân phường Phú Lâm, nhận xét: “Anh Phú là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi điển hình của phường. Là người nông dân chân lấm tay bùn nhưng vợ chồng anh luôn chăm lo cho con học hành đàng hoàng. Cách nghĩ, cách làm rau an toàn của anh Phú rất đáng trân trọng”. |
Tôi tình cờ biết anh nông dân sản xuất giỏi Huỳnh Đức Phú ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) qua một chủ nhà hàng là bạn hàng nhập rau từ vườn của anh Phú. Và tôi đã mục sở thị cơ ngơi nhà lưới trên khu bãi bồi bên kia sông Đà Rằng của anh nông dân luôn trăn trở cách sản xuất rau sạch để cung cấp cho người tiêu dùng.
Dừng công việc làm đất chuẩn bị cho lứa rau mới, anh Phú trải lòng: Sinh ra trong gia đình làm nông, anh Phú đã gắn bó với mảnh đất bãi bồi ven sông để trồng rau, trồng hoa làm kế sinh nhai. Anh trồng nhiều loại rau ăn lá, rau gia vị và rau ăn trái và cũng làm theo cách của nhiều người, dùng nhiều phân, thuốc, chất kích thích cho rau màu lớn vùn vụt, sản phẩm đẹp mắt. Làm rau màu một thời gian, anh Phú thấy tiền đầu tư cho phân, thuốc lớn quá, hơn nữa dư lượng của nó còn nhiều trong sản phẩm rau bán ra. Anh bàn với vợ, đổi mô hình. Từ trồng rau màu anh chuyển sang trồng hoa lay ơn, cúc để bán. Trồng hoa cũng mang lại thu nhập đáng kể, nhưng ngặt một nỗi là loại này cũng phân thuốc nhiều quá, ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này khiến anh nông dân Huỳnh Đức Phú thêm trăn trở.
Qua báo đài, thấy nhiều mô hình sản xuất rau an toàn của bà con nông dân ở vùng chuyên canh rau Đà Lạt (Lâm Đồng) và huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), anh Phú rất thích. Gác công chuyện sang một bên, anh khăn gói vào Củ Chi tìm hiểu mô hình, học tập kinh nghiệm. Quy trình trồng rau an toàn ở nơi này hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích. Phân bón là phân hữu cơ ủ hoai và một lượng rất nhỏ phân hóa học để bón thúc nhưng phải đảm bảo thời gian an toàn trước thu hoạch. Vậy là đúng ý, anh Phú xin cùng làm với chủ vườn và ghi chép cẩn thận quy trình cũng như cách làm nhà lưới, hệ thống nước tưới tự động…
Sau chuyến đi ấy, cách đây vài tháng anh quyết định đầu tư mua sắt, lưới trắng phủ toàn bộ khu vườn hơn 2.000m2 của mình. Đồng thời, anh Phú huy động vốn anh em trong nhà hình thành đàn bò để tận dụng phân, ủ hoai, phục vụ vườn rau. Chị Huỳnh Thị Kim Hoa, vợ anh Phú, nghe thuyết phục cách trồng rau an toàn cũng “mùi”, nhưng đến khi đầu tư cả trăm triệu đồng cho hạ tầng ban đầu thì không khỏi xuýt xoa. “Đầu tư lớn, rau sản xuất ra “sạch” hơn bình thường nhưng sợ bán cũng bằng giá thì coi như lỗ vốn”, chị Hoa lo lắng. Và điều lo lắng ấy là sự thật sau lứa rau đầu tiên. Anh Phú chỉ còn cách động viên vợ về cách làm có lương tâm của mình.
Ông Võ Văn Quang, chủ nhà hàng 6 Quang (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), cho biết: “Quan điểm của nhà hàng là đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, vì vậy ở tất cả nguyên liệu đầu vào chúng tôi đều chọn lựa kỹ, đảm bảo nguồn gốc. Nhà hàng chúng tôi sử dụng sản phẩm rau an toàn do anh Phú sản xuất, có thể lợi nhuận sẽ ít hơn, nhưng khách sẽ hiểu và ủng hộ”.
Mong muốn của anh nông dân Huỳnh Đức Phú là làm thế nào để được cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn quy trình và công nhận rau an toàn để có thể bán đúng với giá trị và vào được siêu thị. Điều khó khăn là hiện nay các cơ quan chuyên môn của Sở NN-PTNT Phú Yên không đủ chức năng để thực hiện các quy trình và cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn mà phải liên hệ với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 (TP Nha Trang, Khánh Hòa) và kinh phí để thực hiện toàn bộ quy trình lên đến hơn 20 triệu đồng.
Anh Huỳnh Đức Phú cho biết, trước mắt anh vẫn sản xuất rau an toàn theo cách của mình, từng bước khẳng định uy tín.
QUỲNH MAI