Những năm gần đây, xã Ea Lâm có những đổi thay đáng kể nhờ sự đoàn kết của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
CỦNG CỐ LÒNG DÂN
Để có được kết quả này, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, cho biết: Đảng bộ và chính quyền xã luôn sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để đưa ra những giải pháp phù hợp. Địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nhân dân như cấp giống cỏ trồng để chăn nuôi bò, cấp giống sắn năng suất cao, cho vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, hỗ trợ tiền học phí cho học sinh, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Ea Lâm có hơn 30 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích hơn 6.300m2. Tiêu biểu như các hộ Ma Huy, Ma Ý (buôn Học); Tun Giáp, Ma Le, Ma Dương, Mí Bíp (buôn Bưng A); Y D Rốt (buôn Gao); Tun Som và Ma Dư (buôn Bưng A).
Đảng bộ và chính quyền xã Ea Lâm luôn xác định bảo vệ cuộc sống bình yên của buôn làng là nhiệm vụ quan trọng. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã thời gian qua được đảm bảo. Địa phương này đã thành lập ba tổ dòng họ tự quản gồm các họ Hving, Ksor và Nay. Nhiều người lầm lỗi trước đây nay đã làm ăn lương thiện, có người kinh tế khá giả. Tiêu biểu là A Ma H’Dốch (buôn Bưng B) vượt qua lầm lỗi, về lại cộng đồng, sống hòa đồng cùng buôn làng, làm kinh tế giỏi. Hiện A Ma H’Dốch mua được máy cày công suất lớn, máy tuốt lúa, nhà cửa khang trang và trở thành một trong những người giàu nhất buôn. Có được như vậy là nhờ ý chí tự lực, tinh thần vươn lên của anh nhưng phía sau đó là sự động viên, giúp đỡ kịp thời của Ksor Y Đen, Ma Loan... A Ma H’Dốch tâm sự: “Tôi luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời, giúp đỡ tôi được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế”.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Ea Lâm là xã miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện Ea Lâm có bốn dân tộc đang sinh sống với khoảng 515 hộ, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm khoảng 91%. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã đầu tư thâm canh cây lúa nước, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Nghị quyết của Đảng được phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên, hội viên và được nhiều người hưởng ứng. Ông Ma Goách, Trưởng buôn Học đã đầu tư san ủi đất, đắp hồ chứa nước để trồng lúa nước. Ông Ma Lưn, Bí thư Chi bộ buôn Học áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng sắn đạt năng suất hơn 20 tấn/ha và là người đầu tiên trong xã trồng 2,5ha cao su.
Với những nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong thời gian qua, bộ mặt của xã miền núi này có nhiều đổi thay đáng kể. Tỉ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, tỉ lệ học sinh lên lớp qua từng năm rất cao, đường liên thôn được bê tông hóa, hệ thống điện lưới quốc gia đã kéo đến từng buôn, hộ gia đình. Hầu hết các hộ dân đều có ti vi, xe máy; công trình nước sạch cùng với các giếng đào ở các buôn đã đáp ứng yêu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Ea Lâm tập trung phát triển vùng chuyên canh cao su, mía, sắn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất, chất lượng cao. Ea Lâm sẽ thu hẹp diện tích lúa rẫy chuyển sang trồng lúa nước và các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Địa phương này cố gắng duy trì tổng đàn bò khoảng 2.000 con, nâng tỉ lệ bò lai lên khoảng 20% tổng đàn; đồng thời phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển trồng rừng sản xuất. Ông Ksor Y Đen, Bíthư Đảng ủy xãEa Lâm, cho biết: “Là xã miền núi đặc biệt khó khăn, thời gian qua, dù có nhiều thay đổi theo hướng tích cực nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu đen tối, lợi dụng đồng bào dân tộc nhẹ dạ cả tin để kích động, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước. Dù là vậy, người dân Ea Lâm vẫn một lòng tin Đảng, quyết tâm chung tay xây dựng xã ngày càng phát triển về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.
ANH NGỌC