Chủ Nhật, 17/11/2024 19:43 CH
Không mở rộng thẩm quyền của tòa án với khiếu kiện hành chính
Thứ Ba, 23/06/2015 17:00 CH

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Văn Độ phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 23/6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

 

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá việc xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) phải bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.

 

Không mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện hành chính

 

Thảo luận về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng Luật Tố tụng hành chính được ban hành năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính. Vì vậy, cần giữ như quy định hiện hành, nhưng cần quy định việc loại trừ cả quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân để bảo đảm tính khả thi.

 

Khoản 1 Điều 32 quy định: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của luật; Quyết định, hành vi của tòa án nhân dân trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.

 

Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) phân tích, so với luật hiện hành tại điều 28, dự thảo bổ sung “cần quy định việc loại trừ cả quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân để bảo đảm tính khả thi". Quy định này phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. 

 

Đối với một số ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện hành chính. Cụ thể là tòa án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức (mà không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay), đại biểu Đặng Công Lý có quan điểm không cần quy định mở rộng hơn nữa, vì như vậy sẽ can thiện quá sâu vào quản lý hành chính nhà nước của cơ quan tổ chức. Quy định như dự thảo luật là hợp lý.

 

Tán thành quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên như hiện hành là phù hợp, không nên quy định thêm về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức. Theo đại biểu, không nên quy định thêm vì phạm vi quá rộng, can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính nhà nước của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng tới hoạt động tự do, tự chủ, tự quản của cơ quan tổ chức này. 

 

Đối với khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã được quy định trong Pháp lệnh trình tự xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhiều ý kiến tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo luật.

 

Đối với việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh và nhiều ý kiến khác tán thành với việc loại trừ việc khởi kiện loại quyết định này ra tòa hành chính. Đưa ra những dẫn chứng cụ thể, đại biểu phân tích nếu giao thẩm quyền cho tòa án nhân dân giải quyết khiếu kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của tòa án nhân dân sẽ dẫn đến tình trạng tòa án vừa ra quyết định xử lý hành chính vừa tiến hành thụ lý để giải quyết vụ án hành chính đối với chính quyết định của tòa án. Việc đó không bảo đảm tính khách quan.

 

Ý kiến khác nhau về mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

Nội dung về phân định thẩm quyền của tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay.

 

Qua thảo luận, một số ý kiến không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật.  Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện; đồng thời quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính. 

 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có năng lực, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Quy định như dự thảo luật là không thuyết phục, đi ngược lại tiến trình cải cách tư pháp. Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét thấu đáo quy định này, “giữ như quy định của luật hiện hành để giảm thời gian đi lại của nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án”, đại biểu nêu rõ.

 

Một số đại biểu có quan điểm khác, cho rằng nên giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để bảo đảm tính hiệu quả trong việc giải quyết các khiếu kiện này. 

 

Các ý kiến cho rằng thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai, là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của tòa án nhân dân cấp huyện còn hạn chế; số vụ án bị hủy, sửa vẫn còn cao (khoảng từ 4-5%/năm; trong khi đó các loại án khác chỉ khoảng trên dưới 1%/năm). 

 

Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) phân tích án hành chính là loại án mới so với các loại án khác (dân sự, hình sự) vì vậy, thẩm phán cấp huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết án hành chính. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, đại biểu đánh giá các khiếu kiện phần lớn liên quan tới lĩnh vực đất đai. Đây là vấn đề khó, yêu cầu thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu. 

 

Đại biểu bộ cho rằng tỉ lệ án hủy, sửa của tòa án nhân dân cấp huyện còn cao do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do thẩm pháp cấp huyện còn có sự e ngại, nể nang trong xử lý. Vì vậy, theo đại biểu nên giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để bảo đảm tính hiệu quả trong việc giải quyết các khiếu kiện này.

 

Tán thành quy định về thủ tục rút gọn

 

Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. 

 

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về các trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn; bản án quyết định theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy và giao hồ sơ cho tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm giải quyết lại vụ án, thì trường hợp nào tiếp tục được áp dụng thủ tục rút gọn; trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục thông thường.

 

Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về nội dung địa vị pháp lý của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính; thi hành án hành chính…

 

Theo chương trình, chiều nay, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Trưng cầu dân ý.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek