Chủ Nhật, 17/11/2024 19:48 CH
Báo chí - một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội
Thứ Bảy, 20/06/2015 12:11 CH

Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên Nguyễn Văn Minh trao giải C cho các tác giả đạt Giải Báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ VIII năm 2014 - Ảnh: M.KÝ

Ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời báo Thanh niên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng (BCCM) Việt Nam. Người đã chăm lo xây dựng và rèn luyện đội ngũ những người làm báo chúng ta. Có thể nói 90 năm qua, BCCM Việt Nam đã trở thành một bộ phận cấu thành của mọi biến cố, mọi sự kiện trong tiến trình vận động của cách mạng Việt Nam.

 

BÁO CHÍ VIỆT NAM - 90 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Người đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng quý báu, một hệ thống tư tưởng và quan điểm chỉ đạo sâu sắc về lý luận nghiệp vụ BCCM cùng hàng ngàn tác phẩm báo chí mẫu mực. Người là một tấm gương sáng về sự gắn bó với sự nghiệp của nhân dân, về tính chiến đấu, về sự nhạy bén và thái độ trung thực, khiêm tốn, sức sáng tạo của người làm báo cách mạng.

 

Ngay từ năm 1925, trong quá trình vận động thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời báo Thanh niên, Người trực tiếp viết bài biên tập và tổ chức xuất bản tờ báo để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc trong các tầng lớp thanh niên và nhân dân ta. Báo Thanh niên đã góp phần tích cực vào việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Đảng ta ra đời vào ngày 3/2/1930. Nhiều cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, rèn luyện từ khi đó, sau này trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, những nhà báo xuất sắc.

 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén để tuyên truyền, vận động nhân dân; đoàn kết tập hợp mọi lực lượng yêu nước; chỉ đạo các phong trào hành động cách mạng của quần chúng; đấu tranh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước; thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đấu tranh giành chính quyền vô cùng gian khổ, Đảng đã chắt chiu dành dụm nguồn kinh phí ít ỏi, cử những cán bộ dày dạn kinh nghiệm, những quần chúng trung kiên sang phụ trách, trực tiếp làm báo và phát hành báo. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để BCCM hoạt động và phát triển; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ những người làm báo ngày càng đông đảo, đồng thời bằng nhiều hình thức vận động đoàn kết tập hợp các nhà báo yêu nước và tiến bộ trong vùng địch chiếm đóng tham gia đóng góp vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Việc các hội nhà báo yêu nước do Đảng ta chỉ đạo ra đời từ rất sớm, nhất là việc thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam, tại chiến khu Việt Bắc năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra rất ác liệt, đã thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vai trò rất quan trọng của BCCM Việt Nam.

 

Trong những năm chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, BCCM Việt Nam và đội ngũ những người làm báo nước nhà đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đến những nơi đầu sóng ngọn gió để phản ảnh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang mà đất nước và nhân dân giao phó. Ngày nay hòa bình trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, trong xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng, BCCM Việt Nam vẫn là vũ khí sắc bén trong công tác văn hóa tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Dưới ánh sáng đường lối và chính sách của Đảng, chúng ta có một hệ thống báo chí với nhiều loại hình. Đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí, gồm 199 báo in, 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh, 600 đài cấp huyện, 98 cơ quan báo chí điện tử với hơn 18.000 nhà báo được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp thẻ hành nghề, đã tập trung tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; phản ánh sinh động thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; góp phần khơi dậy và làm sôi động các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào, chiến sĩ ta ở mọi miền của Tổ quốc, trên mọi lĩnh vực, làm nên những chiến công vang dội, những thành tựu to lớn. Đồng thời báo chí còn là diễn đàn thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, những đóng góp, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước; những sáng kiến của nhân dân tham gia vào việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí đã tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, môi trường xã hội trong lành hơn; đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Báo chí đã tham gia tích cực, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thông tin đối ngoại để nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế hiểu biết về đất nước, con người, sự nghiệp chính nghĩa và thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam, tạo nên sự đoàn kết, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta…

 

Các nhà báo đang tác nghiệp tại cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: N.LƯU

 

BÁO CHÍ PHÚ YÊN KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH

 

Tại Phú Yên, nhận thức được vai trò của BCCM và trước yêu cầu mở rộng công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy Phú Yên đã chủ trương xuất bản báo Chiến thắng, số đầu tiên ra vào ngày 19/8/1946 là tiền thân của Báo Phú Yên ngày nay. Dù trải qua nhiều tên khác nhau do yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng, từ Chiến thắng rồi Phấn đấu, Đoàn kết, Giải phóng, Phú Khánh, báo vẫn liên tục xuất bản và kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ lịch sử.

 

Từ 1/7/1989, tỉnh Phú Khánh được chia thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, từ đó báo Phú Yên trở lại với tên gọi cũ của mình. Trải qua 69 năm từ ngày ra số báo đầu tiên đến nay, báo Phú Yên đã đi một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ đã góp phần vào thắng lợi chung của mỗi giai đoạn cách mạng.

 

Bên cạnh báo Phú Yên, BCCM Phú Yên còn có Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, Tạp chí Trí thức Phú Yên, Tạp chí Khoa học Phú Yên và 9 đài phát thanh cấp huyện, ngoài ra còn có các cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Phú Yên với gần 150 nhà báo hoạt động trên địa bàn tỉnh phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng phong phú và đa dạng của bạn đọc trong tỉnh.

 

Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, những năm qua, báo chí Phú Yên đã có những bước phát triển quan trọng, đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà. Phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, các nhà báo đã bám sát thực tiễn cuộc sống sinh động, có mặt ở khắp các cơ sở đã phản ánh trung thực, kịp thời mọi mặt đời sống xã hội, tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, biểu dương cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống lại những âm mưu, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ kỷ cương xã hội, giữ vững chính trị trật tự an toàn xã hội. Hàng năm có hàng chục nhà báo đoạt giải báo chí tỉnh, nhiều nhà báo đoạt giải báo chí quốc gia và giải báo chí các ngành Trung ương tổ chức, góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh Phú Yên ra cả nước và thế giới. Nhiều nhà báo được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh. Có thể khẳng định hoạt động báo chí của tỉnh nhà trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào những thành tựu phát triển chung của tỉnh.

 

Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta trong những năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của đất nước được tăng cường. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ lớn để phấn đấu sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Do vậy chúng ta cần phát huy những thế mạnh, ưu điểm, khắc phục những thiếu sót khuyết điểm để làm tốt vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta. Báo chí phải tăng cường, nâng cao chất lượng tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh vạch trần những âm mưu, phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch. Phát hiện, biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những cái đẹp, cái hay, cái tích cực, tiến bộ; đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội, phê phán, đẩy lùi những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Kiên quyết khắc phục những lệch lạc, phấn đấu để toàn bộ nội dung thông tin trên báo chí chúng ta có tính thời sự cao, phong phú, đa dạng, ngày càng hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu thông tin của bạn đọc, làm cho báo chí thực sự trở thành một diễn đàn rộng rãi, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. 

 

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về BCCM, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn cho những người làm báo không chỉ là một vấn đề cấp bách mà còn là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan báo chí nhằm xây dựng đội ngũ những người làm báo trung thành với sự nghiệp của Đảng và nhân dân, có đạo đức trong sáng, có nghiệp vụ giỏi để xây dựng và phát triển nền báo chí có chất lượng cao, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 

 

Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng đang đặt ra cho giới báo chí chúng ta những yêu cầu mới và trách nhiệm nặng nề, nhiệm vụ to lớn. Chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang của 90 năm BCCM Việt Nam nhất định những người làm báo chúng ta có thêm sức mạnh và đoàn kết để góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo nền tảng vững chắc đưa Phú Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. 

 

NGUYỄN VĂN MINH

Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek