Chiều 16/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Một trong những nội dung tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến là vấn đề hạn chế hình phạt tử hình.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình cần xem xét, cân nhắc kỹ càng.
Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) cho rằng hạn chế hình phạt tử hình là sự thể hiện quan điểm nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không giảm hình phạt tử hình đối với các tội danh như cướp tài sản; phá hủy công trình quan trọng an ninh quốc gia; vận chuyển trái phép chất ma túy. Bởi đây là những tội đặc biệt nghiêm trọng và có tác động lớn đến xã hội.
Nếu chúng ta không nghiêm trị những người phạm tội này thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kỷ cương phép nước. Cũng theo đại biểu, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, phải áp dụng hình phạt ở mức cao nhất là tử hình để răn đe, nếu không loại tội phạm này vẫn lộng hành. Do đó đại biểu đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với 3 loại tội danh trên.
Đồng tình với việc giảm một số tội danh có hình phạt tử hình và thu hẹp các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình, nhưng đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng: Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần có những quy định thật chặt chẽ và áp dụng hình phạt tử hình đảm bảo đủ sức răn đe đối với những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Việc giảm hình phạt tử hình phải vừa đáp ứng yêu cầu, vừa đảm bảo tính nhân đạo đối với người phạm tội. Mặt khác, phải đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Vì lẽ đó, đại biểu đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội cướp tài sản; phá hủy công trình quan trọng an ninh quốc gia như quy định trong dự thảo luật. Vì đây là những tội danh đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm đến tài sản, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Bùi Văn Phương cũng đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, bởi đây là một hành vi phạm tội rất nguy hiểm.
Đặc biệt, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn và rất manh động, sẵn sàng dùng vũ khí chống trả lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm.
Do đó, nếu không quy định hình phạt tử hình đối với tội danh này thì e rằng tội phạm ma túy sẽ tiếp tục lộng hành và coi thường phát luật.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nhận hối lộ và tham ô tài sản; đây là hai tội rất nghiêm trọng trong tội phạm tham nhũng.
Theo đại biểu, trong thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật và sự tín nhiệm, quyền hạn được giao đã phạm tội hết sức nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân.
Mặt khác, xuất phát từ tình hình hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng mặc dù đã có nhiều cố gắng, đặc biệt cả hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tội phạm tham nhũng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi và nhân dân đang trông chờ vào hiệu quả cuộc đấu tranh này. Nếu nương nhẹ hình phạt đối với loại tội phạm này, sức răn đe sẽ bị hạn chế.
Chung quan điểm với nhiều ý kiến phát biểu, đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh cướp tài sản; chống loài người; vận chuyển trái phép chất ma túy. Đây là những tội đặc biệt nghiêm trọng, do đó cần giữ nguyên hình phạt tử hình.
Còn đại biểu Nguyễn Thế Trường (đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh chừng nào có duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ quy định tử hình đối với các tội gây chiến tranh, phá hoại hòa bình; tội phạm chiến tranh. Theo đại biểu, đây là những tội rất nghiêm trọng.
Góp ý về độ tuổi và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Theo đại biểu Nguyễn Thế Trường (đoàn Vĩnh Phúc), tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Việc sửa đổi, bổ sung cũng cần tính đến xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, kỹ thuật số và khả năng phạm tội của người chưa thành niên trong lĩnh vực này.
Nếu thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên theo nhóm tội như phương án 1 trong dự thảo luật sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay. Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ quy định về độ tuổi và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự như quy định hiện hành.
Nhất trí về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi như quy định hiện hành, tuy nhiên đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) đề nghị cần rà soát kỹ vấn đề này để không bỏ lọt tội phạm; đồng thời việc lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể nào thì cần có sự cân nhắc, bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội, cũng như tính khả thi và tránh sự chồng chéo với các biện pháp tư pháp.
Về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, một số ý kiến tán thành với việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định về các biện pháp xử lý thay thế gồm: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan.
Các biện pháp thay thế xử lý hình sự cũng là một bộ phận cấu thành của chính sách hình sự mà Bộ luật Hình sự là đạo luật thể hiện tập trung nhất chính sách hình sự của Nhà nước. Do vậy, tội phạm, hình phạt và các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cần quy định thống nhất trong Bộ luật này.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc quy định biện pháp xử lý thay thế trên là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự (biện pháp khiển trách mang tính chất hành chính; biện pháp hòa giải mang tính chất dân sự). Hơn nữa, các biện pháp xử lý thay thế này sẽ khó khả thi và không bảo đảm tính hiệu quả.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), thực tiễn trong những năm gần đây tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Nhiều vụ án do người chưa thành niên gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.
Theo đó, việc sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự về trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chưa thành niên thì bên cạnh nâng cao tính chất nhân đạo, giáo dục, cần phù hợp với thực tế, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Do đó, các hình thức thay thế theo quy định trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là không phù hợp với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội; không đảm bảo tính giáo dục, phòng ngừa đối với tội phạm lứa tuổi này và sẽ tạo những kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng.
Chiều 16/6, các nội dung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm; miễn trách nhiệm hình sự... của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cụ thể.
Theo chương trình, ngày 17/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Theo TTXVN/Vietnam+