Sáng 11/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Bộ trưởng cho biết, tại kỳ họp này, bộ đã nhận được 26 chất vấn của ĐBQH và bộ đã trả lời bằng văn bản.
Tại nghị trường, chất vấn của các đại biểu tập trung vào tình trạng khó khăn của tiêu thụ nông sản, chủ trương liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp chưa thành công, thu nhập của nông dân còn thấp, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp còn yếu…
Không thể có một thị trường ổn định, phải tìm cách thích ứng
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn đâu ra giải pháp ổn định đầu ra cho nông nghiệp, nhất là khi Việt Nam ký kết các hiệp định song phương, đa phương?. Đến bao giờ mới ứng dụng KHCN vào nông nghiệp từ sản xuất, bảo quản, chế biến để nông nghiệp đột phá?. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, liên kết “4 nhà” chưa ổn; quy hoạch yếu kém nên việc trồng-nuôi chạy theo thị hiếu thị trường, không ổn định; trồng rồi chặt. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu); Chủ trương liên kết 4 nhà là đúng như chưa thành công, thậm chí có người nói đã thất bại, bị lãng quên?. Giải pháp nào để đột phá, “nhà” nào là nhạc trưởng?. Cũng theo đại biểu Tuyết, chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ chưa hiệu quả?. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bức xúc, ở ĐBSCL người nông dân trồng gạo bị ép giá, khoai lang, hành tím thì không có thị trường tiêu thụ, nuôi tôm thì xuất khẩu khó khăn?. “Bộ trưởng làm gì, nói gì với bà con?. Liên kết 4 nhà đúng là không thành công, giải pháp nào?”, đại biểu hỏi.
Trả lời về các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường nên sản xuất cũng phải theo thị trường, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu kinh tế thế giới. Thị trường thì luôn thay đổi, nên để đạt được sự ổn định tương đối thì sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải bám sát, phản ứng nhanh nhạy với thị trường cả trong và ngoài nước. Không thể kỳ vọng một thị trường ổn định giá cao, có lợi, mà phải tìm cách thích ứng với thị trường. Kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy, phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của Việt Nam bằng cách hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá thành rẻ hơn. Như vậy thì trong mọi tình huống của thị trường vẫn có thể bán nhiều hơn, được giá có lợi hơn cho nông dân. Với cách làm này, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển trong 20 năm qua.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, với diễn biến mới, hội nhập sâu hơn thì vẫn nên tiếp tục cách này. Tuy nhiên, ở trong nước phải hỗ trợ nông dân để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, hỗ trợ nông dân khi thị trường có biến động bất lợi, Một mặt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thuận lợi, mặt khác hỗ trợ nông dân để giá nông sản không bị giảm quá sâu; thực hiện các giải pháp giảm thiểu tổn thất, đơn cử như hỗ trợ cho nông dân vay vốn khi khó khăn… Tập trung áp dụng KHCN vào khâu bảo quản, chế biến. Ngày càng hút nhiều doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến sản phẩm phù hợp với thị trường để tiêu thụ hiệu quả. Không ai làm tốt hơn việc này ngoài doanh nghiệp. Đó là những giải pháp giúp ổn định thị trường. “Hiện bộ đã xây dựng đề án, Thủ tướng đã phê duyệt”, Bộ trưởng cho biết.
Đại biểu Kim Bé chất vấn nuôi-trồng ra sản phẩm đều khó bán. Nhưng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, tình hình thực tế không đến nỗi “không sáng sủa” như vậy. Ở Cần Thơ, Giám đốc Sở NN-PTNT báo rằng lúa, trái cây năm nay được mùa được giá. Giám đốc Hậu Giang cũng báo cáo nhiều trái cây được mùa được giá, lúa hè thu đạt 6 tấn (năm ngoái là 5 tấn). “Không phải các loại nông sản đều khó như dưa hấu, hành tím. Từ đầu năm đến nay, 5 sản phẩm nông nghiệp xuống giá, nhưng cũng có 5 mặt hàng lên, trong đó sắn xuất khẩu tăng 44%. “Trong mọi tình huống phải bình tĩnh để xử lý. Dưa hấu chẳng hạn, năng suất đạt 1,2 triệu tấn cả nước, nhưng dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi bị khó là do khó khăn trong công tác thông quan. Hành tím khó khăn do Indonesia dừng nhập khẩu. Hiện chúng tôi đã sang làm việc với phía bạn, cần có thời gian”, Bộ trưởng giải thích. Theo ông, để nông dân có thu nhập tốt cần lựa chọn những mặt hàng chủ lực, giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, làm căn cơ theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Một hộ trồng lúa để giàu thì phải có ít nhất 2 ha trồng lúa
Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) chất vấn, giá gạo Việt Nam đang thấp nhất trên thị trường xuất khẩu, vì gạo Việt Nam đều là loại trung bình, còn thế giới đang thích gạo cao cấp. “Chúng ta đứng thứ 3 xuất khẩu gạo thì có ý nghĩa gì khi nông dân trồng lúa vẫn khó khăn?. Trách nhiệm của bộ trưởng?. Chuỗi giá trị không thể đạt được nếu không tiến hành sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Giải pháp nào để đột phá?”, đại biểu nêu. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nêu người nông dân Thái Bình nhiều nơi bỏ đất lúa, không thiết tha?.Trả lời về điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam đúng là chậm. Tuy nhiên, hiện đang cố gắng để chiếm lĩnh thị trường gạo cao cấp thế giới. 2014 đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn chất lượng cao trên tổng số 5 tiệu tấn gạo. Bộ trưởng hoàn toàn tin là chúng ta sẽ chiếm lĩnh được thị trường gạo cấp cao.
“Nông dân trồng lúa bao giờ giàu?. Chúng ta bảo đảm an ninh lương thực nhưng vẫn phải bảo đảm thu nhập cho người dân. Một hộ trồng lúa để giàu thì phải có ít nhất 2 ha trồng lúa. Nhưng hiện trung bình mỗi hộ chỉ có 0,5 ha. Vì thế lãi thấp, chỉ từ 5-6 triệu đồng. Làm giàu là khó. Năng suất lúa chúng ta gấp 1,5 thế giới. Nhưng thu nhập lại thấp. Vẫn còn dư địa để phát triển, nhưng cần có thêm thời gian, nhân lực, nguồn lực”, Bộ trưởng chia sẻ. Còn về vấn đề người nông dân nhiều nơi không thiết tha với trồng lúa, Bộ trưởng khẳng định, đất lúa là di sản của dân tộc. Đây là nguồn sống của người nông dân nên phải bảo vệ. Nhưng không phải là kiểu bảo vệ khiến dân không sống được. Mà là hỗ trợ thông qua chính quyền để tạo điều kiện cho nông dân giữ đất lúa mà vẫn có thu nhập. Giữ đất lúa nhưng vẫn có thể trồng cây khác nếu có thu nhập cao hơn. Ví dụ nông dân ở Hưng Yên trồng chuối, Bình Thuận trồng Thanh Long (thu nhập cả tỉ đồng/năm). Chúng ta hoàn toàn tạo điều kiện cho bà con nông dân nâng cao thu nhập.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về phong trào trồng cây mắc ca đang rầm rộ, nhưng Bộ NN-PTNT chưa có quy hoạch, chủ trương để định hướng trồng loại cây này… Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện số liệu về cây mắc ca trên thế giới chưa thống nhất. Có tài liệu nói thế giới hiện có khoảng 100.000 ha mắc ca, sản lượng 150.000 tấn (trong khi điều là 500.000 tấn). Giá hạt mắc ca đang rất tốt. Trước mắc ca chủ yếu trồng ở Úc, một số nước Nam Phi. Tuy nhiên, hiện các nước đều thấy có lợi nên đổ xô trồng, trong đó có Trung Quốc. “Theo tính toán, cầu về hạt mắc ca đang tăng 8%/năm; nhưng cung tăng 10-15%/năm. Vì thế cần hết sức thận trọng trong việc trồng cây mắc ca, không để lặp lại với như cây cao su, cà phê”, Bộ trưởng cho biết.
Trong khi đó, theo bộ trưởng thông tin, các chuyên gia Úc khi sang làm việc với Bộ NN-PTNT Việt Nam đã khuyến nghị, trước mắt Việt Nam chỉ nên trồng khoảng 10.000-15.000 ha mắc ca, làm thật tốt diện tích này, đừng chạy theo số lượng vì dễ sụp đổ. Đặc biệt, chỉ nên trồng ở diện tích mà Bộ NN-PTNT đã thí điểm trồng 20 năm qua, trồng đúng 10 loại giống mà Bộ NN-PTNT đã khảo nghiệm. “Chúng tôi cố gắng trong năm 2015 này sẽ có quy hoạch về cây mắc ca để hướng dẫn cho bà con. Nhưng chắc chắn, từ nay đến 2020, chỉ trồng khoảng 10.000-15.000 ha mắc ca”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Để có sản phẩm nông nghiệp giá trị thì phải liên kết với doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) hỏi thẳng, trong sản xuất nông nghiệp thì đâu là khâu yếu nhất ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp?. Có trách nhiệm của Bộ trưởng không, đến đâu, khắc phục thế nào?. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi đâu là khâu yếu nhất trong nông nghiệp?.
“Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là tiêu thụ. Cái khó nhất của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là chế biến, giống”, bộ trưởng trả lời. Theo bộ trưởng, nông dân làm nguyên liệu nhiều, giỏi; nhưng khâu chế biến kém nên vẫn phải bán nguyên liệu thô, chưa có giá trị gia tăng. Để chế biến thì phải có doanh nghiệp vào. Vì vậy, cùng với hỗ trợ nông dân thì phải tạo cơ chế để hút doanh nghiệp vào. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn vào như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup.. Sẽ tiếp tục thực hiện hướng này. “Chúng tôi có trách nhiệm ở việc hướng dẫn quy hoạch, khâu thuốc bảo vệ thực vật..”, bộ trưởng nói.
Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Quyết Tâm hỏi: “Vậy tại sao thời gian qua chúng ta đã phối hợp nhiều mà vẫn chưa thực hiện được khâu giống, tổ chức lại sản xuất?. Trách nhiệm của bộ trưởng chưa rõ?”. Theo bộ trưởng, Chính phủ, bộ đã cố gắng rất nhiều trong khâu giống kể cả nhập khẩu và nghiên cứu, mong muốn là bằng các nước về khâu giống. Nhiều giống tốt như gạo, cao su, hồ tiêu.. Nhưng nhiều loại giống Việt Nam chưa chủ động được như tôm, chăn nuôi, phải nhập khẩu. “Chúng ta cũng cố gắng nhưng thế giới luôn chuyển động nên phải quyết liệt hơn rất nhiều, đó cũng là trách nhiệm chính của chúng tôi. Ngoài ra, về tổ chức sản xuất, còn thiếu yếu tố doanh nghiệp, hợp tác xã. Chúng tôi đã trăn trở, cố gắng để tìm kiếm, làm nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, sẽ phải cố gắng tiếp”, bộ trưởng cam kết.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) chất vấn nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài, ít đầu tư vào nông nghiệp?. Cơ chế nào để đột phá, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ hiện đại, sạch đầu tư vào nông nghiệp?. Bộ trưởng trăn trở, chúng ta chia ruộng đất cho nông dân, khi doanh nghiệp tư nhân vào thì không thể có đất. Không thể thu hồi đất của hộ nông dân để đưa doanh nghiệp vào dù biết doanh nghiệp vào là hiệu quả hơn. Hiện nay nhiều địa phương đã chủ động bố trí, tổ chức lại, hợp tác với nông dân để liên kết với doanh nghiệp. Dần dần sẽ phải có cơ chế để làm. Tương tự, chưa nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào chế biến là do họ không thể hợp tác với từng hộ nông dân. “Chúng ta phải tiến tới thành lập tổ hợp tác, HTX để làm trung gian hợp tác với doanh nghiệp. Rất mừng là hiện nay đã có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, hứa hẹn sẽ có đột phát trong thời gian tới”, Bộ trưởng hy vọng.
Theo SGGPO