Hôm ấy, tình cờ nghe được cuộc đối đáp giữa hai đảng viên A và B về chuyện đời, xin được kể lại như sau…
Chầm chậm nhấp ngụm cà phê, đảng viên A nói: Hôm qua, ông có đọc trên mạng về thông tin một cán bộ cao cấp có tài sản bất minh lớn kinh khủng không? Đảng viên B hỏi lại: Ông đọc tin đó ở đâu? - Bây giờ trên mạng đầy ra đó, ông cứ chịu khó mở net là thấy liền! Không những đề cập về giá trị tài sản “khủng”, thông tin này còn nói rõ do đâu mà vị cán bộ ấy có thể lập nên được “cơ nghiệp” hoành tráng như vậy, kinh lắm ông ơi! Đảng viên B vặn lại: Ông có tin vào chuyện đó không? Đảng viên A gật gù ra bộ tâm đắc: Sao lại không? Ông bà xưa từng nói: “Không có lửa sao có khói?”. Sự thật có ra sao thì người ta mới nói vậy chứ? Đảng viên A phân tích: Tôi không rõ trang mạng ông đọc, thông tin ông vừa nói là của ai làm ra, do ai dựng nên. Nhưng là đồng chí với nhau, tôi chỉ nhắc ông rằng, là người cộng sản thì mình phải tỉnh táo, cảnh giác trước tình trạng nhiễu loạn thông tin trên các mạng xã hội. Bây giờ ông đọc mấy cái tin vịt chưa ai xác minh đó rồi vô tình đi phát tán lung tung là không đúng đâu nghe! Đảng viên A vẫn khăng khăng: Có lửa mới có khói! Đây, ông về nhà mở máy tính vào chỗ này mà xem! Nghe vậy, đảng viên B lắc đầu và không nói gì nữa.
Trong thời buổi internet “lên ngôi” như hiện nay, có thể nói, trên thế giới ảo bùng nổ đủ loại thông tin thượng vàng hạ cám, đúng sai, trắng đen lẫn lộn. Chỉ cần một cú nhấp chuột, một cái lướt tay rất nhẹ trên màn hình máy tính bảng, điện thoại thông minh… người ta sẽ trả lời được những câu hỏi mình đang thắc mắc, như câu nói dân gian: “Trăm năm trong cõi người ta/ Việc gì chưa rõ thì tra Google”. Lợi dụng tiện tích này của internet, kẻ xấu, nhất là các thế lực thù địch, phát tán đủ loại thông tin phi chính thống trong thế giới ảo nhưng lại có sức “công phá” rất mạnh trong thế giới thực. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những thông tin ngụy tạo, bịa đặt về cá nhân, gia đình, tài sản, đời tư của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Có những thông tin, do được dẫn dắt, bố trí, thể hiện rất khúc chiết, “khoa học” nên khiến có người đọc tin đến sái cổ. Nhưng còn sự thật chứa đựng trong đó bao nhiêu phần trăm thì chỉ có… trời mới biết được! Rõ ràng, việc tung tẩy, “đổ bộ” loại thông tin kiểu này trên internet là nhằm bôi bác chế độ, nói xấu các đồng chí cán bộ cao cấp, tô vẽ nên những sự thật méo mó, lệch lạc về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Qua đó tạo ra cái nhìn và suy nghĩ hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhất là hiện nay, khi cả nước đang tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, loại thông tin độc hại này càng phát tán, lan truyền vô tội vạ trên các blog và mạng xã hội!
Trước tình hình này, rõ ràng, người đảng viên cộng sản phải có thái độ dứt khoát như đảng viên B. Đó là tìm hiểu, phân tích, đánh giá một cách tỉnh táo để có thái độ dứt khoát, nói “không” với những luận điệu, cứ liệu, thông tin sai trái trên internet và cả trong cuộc sống thực hàng ngày. Còn cứ thậm thò thậm thụt, nhấm nha nhấm nhảy và khẳng định theo kiểu “không có lửa sao có khói” như trường hợp đảng viên A nói trên thì thật là nguy hiểm vậy!
SÔNG BA HẠ