Ông Phan Văn Giáo, 60 tuổi, ở thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến, là người có hơn 20 năm làm công tác truyền thanh cơ sở ở Đài truyền thanh xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa. Công việc vất vả, phụ cấp thấp, nhưng ông Giáo vẫn một niềm đam mê, gắn bó bền bỉ với đài.
Ông Phan Văn Giáo - Ảnh: V.NGUYỄN |
Từng làm cán bộ phong trào văn hóa thông tin, rồi đến cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, nhưng do yêu và tâm huyết với công tác truyền thanh cơ sở nên ông Phan Văn Giáo đã chuyển sang phụ trách Đài truyền thanh xã Hòa Kiến hơn 20 năm qua. Công việc truyền thanh không nặng nhọc nhưng khá vất vả. Mỗi ngày, ông Giáo phải đảm trách đến 3 ca trực. Buổi sáng từ 5 giờ đến 7 giờ. Buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 12 giờ tiếp âm Đài phát thanh thành phố và Đài phát thanh tỉnh. Buổi chiều từ 17 giờ đến 19 giờ, tiếp âm đài 3 cấp (Đài của thành phố, của tỉnh và Đài Tiếng Nói Việt Nam).
Ngoài công tác tiếp âm, ông Giáo còn là biên tập, phát thanh viên trực tiếp biên soạn và phát đi các bản tin nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chiến dịch dân số, kế hoạch hóa gia đình, thông tin phòng chống dịch bệnh, các bộ luật quan trọng theo chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Chỉ riêng công tác khuyến nông, đài truyền thanh cơ sở đã phải lo thông báo kịp thời các kế hoạch gieo sạ, công tác phòng ngừa sâu bệnh… để bà con xã viên chủ động gieo trồng, kịp thời thu hoạch. Ông Giáo đã góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền khuyến nông cho bà con ở 8 thôn với 100% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn xã Bình Kiến.
Do yêu cầu công việc đặc thù, người phụ trách đài truyền thanh cơ sở hầu như không có ngày nghỉ. Vất vả nhất là vào mùa mưa bão, một mình ông Giáo vừa thực hiện nội dung phát thanh thường lệ, vừa phải lo phát thêm nội dung các thông báo về tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, về công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão… để bà con chủ động, kịp thời ứng phó với thiên tai. Thời tiết xấu, đi lại khó khăn, nhưng bằng tình yêu công việc và ý thức trách nhiệm cao, ông Giáo hầu như không vắng mặt ở đài ngày nào. Đặc biệt, ông trực 24/24 giờ trong những thời điểm địa phương phải đối mặt với thiên tai, tập trung tuyên truyền phòng chống bão lũ.
Công việc vất vả là thế, nhưng theo cơ chế quy định, những người phụ trách đài truyền thanh cơ sở được xem như “cán bộ không chuyên trách” nên không có lương mà chỉ có phụ cấp. Mức phụ cấp hiện tại cho người làm công tác truyền thanh cấp xã như ông Phan Văn Giáo cũng chỉ vỏn vẹn 1.350.000 đồng/tháng. Ngoài ra, ông không được nhận bất cứ một chế độ đãi ngộ nào khác: không biên chế, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế… Được biết, trước kia, cơ cấu nhân sự cho 1 đài truyền thanh cơ sở thường có đến 3 định biên: 1 trưởng đài; 1 biên tập chương trình và 1 kỹ thuật viên. Giờ để giảm kinh phí hoạt động, hầu hết số định biên cho các đài truyền thanh cấp xã đều rút xuống chỉ còn 2 hoặc thậm chí chỉ có 1 định biên như Đài truyền thanh xã Hòa Kiến. Do vậy, một mình ông phải “ôm” tất tật mọi khâu trong công việc cần thiết cho đài hoạt động. Thế nhưng, khi được hỏi vì sao ông không bỏ nghề để tìm một công việc khác đỡ nhọc và thu nhập cao hơn, ông Giáo cười hiền, nói: “Việc nào cũng là việc. Nếu ai cũng giành chọn những việc nhẹ nhàng thì ai sẽ đảm đương các việc khó khăn. Từ lâu, tôi xem công việc ở đài là việc mà tôi yêu thích, tâm huyết nên muốn gắn bó với nó. Tôi chỉ có mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với sự tồn tại và chất lượng của mạng lưới truyền thanh cơ sở như có định biên rõ ràng, thù lao tương xứng để các cán bộ truyền thanh đương nhiệm yên tâm công tác cũng như kích thích, thu hút được lớp trẻ kế cận về “đầu quân” vào lĩnh vực này ở địa phương”.
VĂN NGUYỄN