Hồ Chí Minh đã vạch ra chân tướng và biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân là: so bì đãi ngộ lương thấp, lương cao, quần áo đẹp, xấu; là việc gì cũng chỉ lo lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Theo Người, do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, chỉ thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền; xa quần chúng, xa thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra mọi thói hư tật xấu, như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, lãng phí, tham ô, bè phái, địa phương chủ nghĩa...
Bác Hồ thăm làng gốm - Ảnh: Tư liệu |
Theo Hồ Chí Minh, muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên. Với Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.(9) Vì vậy, muốn thành người cộng sản chân chính phải chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột sạch chủ nghĩa cá nhân, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng giúp người cán bộ cách mạng chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ phải trải qua một quá trình tự giác tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ; phải trải qua thực tiễn đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, đạo đức cách mạng mới được củng cố bền vững. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.(10)
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1969), Hồ Chí Minh đã viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đăng trên báo Nhân Dân. Bài viết tập trung vào vấn đề trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên. Người viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”.(11)
Thực tiễn cách mạng nước ta chứng minh có những cán bộ, đảng viên có nhiều công lao, nhưng không chịu khó tu dưỡng rèn luyện, để mất đạo đức cách mạng, thì chẳng những không hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mà còn vấp ngã, thất bại. Và nơi nào đội ngũ cán bộ mạnh, có đạo đức cách mạng gương mẫu, năng động, thì nơi đó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2. ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH - NỀN TẢNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI HIỆN NAY
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức, Hồ Chí Minh đã tự rèn luyện để có phẩm chất đạo đức cao quý của người cộng sản. Suốt thời gian bôn ba ở nước ngoài, tìm đường giải phóng cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã trở thành người cộng sản có đạo đức cách mạng sáng ngời. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự hoàn thiện, hoàn mỹ về đạo đức: Yêu đồng bào, yêu nhân dân, triệt để cách mạng và vô cùng nhân từ; uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn; vĩ đại mà rất mực bình dị. Bằng lời nói và việc làm, bằng giảng giải và nêu gương, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho mọi người thấy thế nào là một đạo đức cao đẹp, một cuộc sống đáng sống. Người nâng cao tâm hồn và tình cảm của nhân dân, khiến mọi người đều cảm thấy mình luôn luôn lớn lên và đầy niềm tự hào trước sự nghiệp vĩ đại và trước tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.
Bản thân Hồ Chí Minh đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức để trở thành “tấm gương tuyệt vời về con người mới”, thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Nhiều lãnh tụ chính trị, học giả, nhà văn, nhà báo có tiếng đã viết về sức cổ vũ kỳ diệu của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân nước mình và chứng minh rằng: Do ngưỡng mộ một nhân cách vĩ đại như vậy, có biết bao lớp người trẻ tuổi đã đứng vào hàng ngũ các chiến sĩ cộng sản, tình nguyện hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì tự do độc lập, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho mọi người. Tùy theo từng thời kỳ cách mạng, Người đã đề ra những yêu cầu đạo đức sát hợp để mọi người phấn đấu rèn luyện, nhằm hoàn thành nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, từ đó mà giành thắng lợi ngày càng to lớn cho cách mạng.
Khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên. 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã kiên trì giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Nếu quyền lực là sức mạnh để giữ vững những thành quả cách mạng, để tổ chức và xây dựng chế độ xã hội mới, để phát triển kinh tế và văn hóa, để biến đất nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành giàu mạnh, văn minh, thì quyền lực lại có mặt trái của nó là có thể làm tha hóa con người nắm quyền lực, có thể đưa đến những tổn thất lớn cho cách mạng. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy điều này từ rất sớm, không phải chỉ ở trong nước, mà còn ở nhiều nước khác.
Những vấn đề đạo đức mà Người đặt ra với cán bộ, đảng viên chính là nhằm ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa có thể hoặc đã xảy ra, nhất là để chống lại những khuynh hướng sai lệch về quyền lực như quan liêu, cậy thế, cậy quyền, lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền, cố vị... những tệ nạn có thể trở thành nguy cơ làm sụp đổ sự nghiệp của một người, thậm chí của cả một Đảng Cộng sản.
Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên được Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.(12) Chỉ một đoạn ngắn nói về Đảng, Hồ Chí Minh đã bốn lần nhấn mạnh chữ “thật” và “thật sự”. Thực hiện cho được một chữ thật hay thật sự có khi suốt đời chưa chắc đã làm nổi, trong khi cái giả, cái dối, cái nửa vời lại vẫn thường trở đi trở lại hàng ngày. Điều căn dặn tâm huyết ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đối với công tác xây dựng Đảng.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một phần quý báu nhất trong di sản tư tưởng của Người, giống như những hạt kim cương đa diện, nhiều màu sắc. Cho dù chặng đường cách mạng mới có thể và nhất định sẽ hình thành những giá trị đạo đức mới, thì những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là nền tảng vững chắc cho các quan hệ xã hội mới.
Đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng giữ vị trí nổi bật trong công cuộc xây dựng đời sống tinh thần của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đang góp phần quan trọng điều chỉnh hành vi của mỗi người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ - một trong những điều kiện quan trọng để hình thành xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người sống với nhau nhân ái.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, một người cộng sản vĩ đại, đồng thời đó cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một người công dân tốt.
Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là lời giải về bài toán đạo đức của nhân loại mà giá trị của nó không thể phai mờ, đã góp sức “phục hưng” và “cải tạo một thời đại”. Trong tầm nhìn của nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng nhất về cuộc đời của một con người “đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dạt dào tình yêu Tổ quốc, yêu những người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”.(13)
Đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung hiện nay. Nó là phương hướng đúng đắn và là yếu tố trọng yếu đảm bảo cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong mọi thời kỳ và hiện nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và dân tộc ta.
-----------------
(9)(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.602, 612.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.547.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.622.
(13) Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb.Lao động - Nxb.Quân đội nhân dân, H.1993, tr.120
Theo TTXVN