“Phải luôn động viên, sẻ chia những uẩn khúc của các phạm nhân, giúp họ sửa chữa lỗi lầm, yên tâm cải tạo tốt, sớm quay về con đường hướng thiện”, đó là suy nghĩ, là tâm niệm trong công tác của trung úy Nguyễn Thị Kim Dung, nữ cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an Phú Yên.
Tốt nghiệp Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II chuyên ngành Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, tháng 10/2007, Nguyễn Thị Kim Dung được phân công công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh với nhiệm vụ quản giáo các can, phạm nhân. Đây là công việc vô cùng phức tạp và phải chịu nhiều áp lực, nhất là đối với cán bộ nữ, bởi đối tượng giam giữ ngày càng phức tạp về tính chất và mức độ phạm tội. Để cảm hóa, giáo dục họ nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để sớm trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng là cả một quá trình thường xuyên và lâu dài. Là người chiến sĩ Công an nhân dân, trung úy Nguyễn Thị Kim Dung luôn thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác Hồ dạy, nhất là điều “Đối với công việc phải tận tụy”, vì thế chị luôn nỗ lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với 10 năm tuổi ngành và 8 năm gắn bó với công việc của người cán bộ quản giáo, trung úy Nguyễn Thị Kim Dung đã tham gia tiếp nhận, quản lý hơn 600 can, phạm nhân; góp phần cải tạo, giáo dục hàng trăm lượt phạm nhân hoàn lương, trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Ngay từ khi can, phạm nhân bắt đầu vào trại, trung úy Nguyễn Thị Kim Dung đã gần gũi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng để kịp thời động viên giáo dục họ khai báo thành khẩn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị đã thu thập được nhiều thông tin, chứng cứ cũng như tài liệu quan trọng góp phần phục vụ đắc lực cho việc điều tra mở rộng vụ án. Trong giáo dục phạm nhân, chị luôn đi sâu, nắm bắt tâm lý tình cảm của từng người để cảm hóa, giáo dục. Có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tâm lý, tình cảm mà chỉ nữ giới mới có thể tiếp cận được. Điển hình, đầu năm 2008, phạm nhân Đỗ Ngọc Thạch (SN 1976, trú quận 3, TP Hồ Chí Minh) đang thi hành án chung thân về tội giết người cùng với 5 tiền án về tội cướp giật tài sản, được chuyển về Trại tạm giam Công an tỉnh. Những ngày đầu vào trại, Đỗ Ngọc Thạch tỏ ra rất khó chịu, không bao giờ cười và nói chuyện với cán bộ quản giáo. Cảm thấy luôn bị dằn vặt về tội lỗi của mình gây ra và không muốn sống tiếp nên phạm nhân này một mực đòi viết đơn kháng án, xin tăng nặng hình phạt từ chung thân lên tử hình. Khi biết được ý định của phạm nhân, trung úy Nguyễn Thị Kim Dung đã dành thời gian, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội… Trong những lần tiếp xúc ấy, chị đã nhận ra rằng tận sâu thẳm trong tâm hồn người phạm nhân này vẫn luôn mong muốn được làm lại cuộc đời, được làm người lương thiện. Vì thế, chị xin phép lãnh đạo đơn vị cho Đỗ Ngọc Thạch được đọc những cuốn sách dạy con người ta cách sống, cách vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình. Nhờ đó phạm nhân này có những chuyển biến tích cực, không còn xin viết đơn kháng án nữa, cố gắng cải tạo tốt.
Gần đây, trung úy Nguyễn Thị Kim Dung được điều sang Đội Cảnh sát bảo vệ. Dù bước sang lĩnh vực mới, chị luôn chịu khó nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ từ những đồng chí, đồng đội đi trước để hoàn thiện mình và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thượng tá Ngô Văn Đảm, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, nhận xét: “Trung úy Nguyễn Thị Kim Dung là một cán bộ trẻ nhưng luôn được lãnh đạo tin tưởng giao việc, đồng đội yêu mến. Không chỉ tận tụy, nhiệt tình trong công tác chuyên môn mà Dung còn là một bí thư đoàn năng nổ, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xây dựng công trình, phần việc thanh niên, hòa đồng, chia sẻ với đồng đội trong công tác và cuộc sống. Năm 2012, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến”.
HUYỀN TRANG