Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trang nhất mạng tin Euro Presse Image hôm 3/5 đã đăng bài viết về 40 năm Việt Nam hoàn toàn thống nhất.
Bài báo nhấn mạnh ngày 30/4, Việt Nam kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. TP Hồ Chí Minh, thủ đô của chính quyền cũ, giờ đây trở thành trung tâm kinh tế của Việt Nam và có thể sẽ là trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực Đông Nam Á.
Bài báo điểm lại cột mốc lịch sử của ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân đội giải phóng Việt Nam đã tiến vào dinh Độc Lập và chế độ ngụy quyền chính thức sụp đổ. Cuộc chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam từ những năm 1920 đã kết thúc.
Đảng Cộng sản Việt Nam và các lực lượng dân tộc đã chiến thắng, biểu tượng cho một dân tộc bé nhỏ với những người nông dân cầm súng đã đánh đuổi được lực lượng đế quốc hùng mạnh nhất thế giới.
Bài báo nhận định: đối với Việt Nam, chiến thắng mùa xuân 1975 là cột mốc lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và thống nhất để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Tiếp tục sự phát triển của Việt Nam, bài báo nhấn mạnh đất nước này bắt đầu sự nghiệp "Đổi mới" vào năm 1986 và đã đạt nhiều thành tựu sau 30 năm thực hiện.
Việt Nam đã vươn lên thoát khoải nhóm các quốc gia kém phát triển để gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, với tốc độ phát triển kinh tế trung bình hàng năm lên đến 7% và dự kiến mức thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.200 USD. Trên bình diện xã hội, tỉ lệ hộ nghèo dưới 6%; 98% dân số đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Việt Nam đã hoàn thành một số Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Bên cạnh những tiến bộ, bài báo cũng nêu lên những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như thiếu cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng cũng như nguồn lao động chất lượng cao, mức chênh lệch về phát triển giữa các thành phố lớn và tỉnh lẻ và ngay cả giữa các thành phố cũng như chênh lệch giàu-nghèo ngày càng gia tăng.
Bài báo cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu kỷ niệm chiến thắng ngày 30/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi người dân nỗ lực thực hiện sự nghiệp Đổi mới, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội, hướng tới phát triển bền vững, tạo cơ sở chắc chắn để sớm xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Trong phần cuối, bài báo điểm lại những dấu mốc quan trọng của Việt Nam kể từ năm 1990: bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991; bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào 1995; và gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995.
Theo TTXVN/Vietnam+